Quản Trị Điểm Đến Xanh
Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch, CEO của LuxGroup
(Doanh Nhân) Xây dựng điểm đến xanh không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu đối với ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đây là bước chuyển đổi tư duy và hành động quan trọng nhằm phát triển du lịch bền vững, hài hòa với xu thế toàn cầu.
Xây dựng thương hiệu quốc gia từ những giá trị xanh
Chiến lược phát triển điểm đến xanh hoàn toàn phù hợp với định hướng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 34/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng du lịch, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế hai con số.
Việt Nam sở hữu những tài sản vô giá cho ngành du lịch như văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực và con người – tất cả đều là những yếu tố gắn liền với giá trị “xanh” và phát triển bền vững. Những yếu tố này khi được phát huy hiệu quả, theo chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), sẽ giúp Việt Nam tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt, nâng tầm thương hiệu quốc gia và hấp dẫn nhóm khách cao cấp từ các thị trường tiềm năng như châu Âu, châu Mỹ.
Hiện nay, 80% khách quốc tế đến Việt Nam đến từ khu vực châu Á, trong khi chỉ 20% đến từ các quốc gia Âu – Mỹ, vốn là những thị trường có khả năng chi trả cao và thời gian lưu trú dài. Nếu nâng tỷ lệ khách Âu – Mỹ lên 30 – 40%, và chỉ cần tăng doanh thu trung bình từ lượng khách này thêm 30%, ngành du lịch sẽ đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia.
Tuy nhiên, đối tượng khách cao cấp rất nhạy cảm với yếu tố môi trường, xã hội và văn hóa. Do đó, phát triển điểm đến xanh cần được xem là chiến lược ưu tiên hàng đầu. Một số địa phương như Hội An (Quảng Nam), Ninh Bình đang thực hành tốt các mô hình điểm đến xanh: hạn chế rác thải nhựa, giảm phát thải carbon, xử lý rác và nước thải hiệu quả. Mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng ra các địa phương khác, chẳng hạn như Huế – nơi có tiềm năng trở thành biểu tượng du lịch xanh cố đô.
Doanh nghiệp đồng hành cùng xanh hóa du lịch
Trong nhiều năm qua, LuxGroup đã tiên phong cung cấp các sản phẩm du lịch theo tiêu chí “xanh và sang,” hướng tới nhóm khách Âu – Mỹ. Các sản phẩm nổi bật gồm: du lịch nông nghiệp, hành trình khám phá ẩm thực truyền thống, tour low-carbon… Đặc biệt, LuxGroup đang thực hiện chính sách đóng góp 1,5 USD/khách vào Quỹ LuxGroup Foundation để bù đắp lượng phát thải từ các hoạt động di chuyển, ăn uống, nghỉ dưỡng… Số tiền này được dùng để trồng rừng, hỗ trợ lắp đặt hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời và các hoạt động bảo vệ môi trường khác.
Nhiều du khách không những đồng thuận, mà còn chủ động đóng góp thêm để hỗ trợ cộng đồng địa phương, nâng cao chất lượng sống và cùng xây dựng điểm đến hạnh phúc, bền vững. Điều này cho thấy: Xanh hóa không thể chỉ do doanh nghiệp thực hiện đơn lẻ. Đó phải là nỗ lực đồng bộ từ trung ương đến địa phương, từ nhà quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đến chính khách du lịch – tất cả cùng xanh, cùng hành động, cùng bền vững.
Quản trị điểm đến bằng số hóa và dữ liệu
Phát triển điểm đến xanh không chỉ gắn với bảo vệ môi trường, mà còn thể hiện bước chuyển từ tư duy phát triển số lượng sang chất lượng. Điều này cần được hỗ trợ bởi dữ liệu số và công nghệ để nhận diện thị trường nguồn, điều chỉnh chính sách, và thiết kế các sản phẩm du lịch phù hợp.
Hiện nay, Việt Nam vẫn thiếu mô hình quản lý điểm đến hiệu quả. Nhiều điểm đến đang quá tải vào mùa cao điểm, trong khi các tuyến du lịch khác bị bỏ quên, gây lãng phí tài nguyên. Những “nút thắt” như chính sách thiếu nhất quán, nhân lực thiếu kỹ năng, sản phẩm chưa đặc sắc, xúc tiến manh mún, và số hóa chưa đồng bộ… đang cản trở du lịch phát triển bền vững.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu du khách – bao gồm nơi đến, mục đích du lịch, khả năng chi tiêu, mức độ hài lòng, và những hạn chế cần cải thiện – là điều cấp thiết. Chỉ khi có dữ liệu, chúng ta mới có thể hoạch định chính sách hiệu quả, quản lý và phát triển điểm đến theo tiêu chí xanh – sạch – đẹp – bền vững.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tạo việc làm không chỉ trong lĩnh vực lưu trú, hướng dẫn viên, mà còn lan tỏa đến các ngành khác như ẩm thực, vận tải, giải trí, y tế, thủ công mỹ nghệ… Vì thế, quản trị điểm đến xanh đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, sự chung tay của chính quyền các cấp, các hiệp hội và cộng đồng.
Cần cụ thể hóa tiêu chí “xanh” để có thể đánh giá, công nhận và thúc đẩy sự cạnh tranh tích cực giữa các địa phương. Đồng thời, chính sách của Chính phủ, đặc biệt là về thị thực, cần tiếp tục theo hướng thân thiện, linh hoạt. Việc mở rộng miễn visa cho các thị trường như Séc, Thụy Sĩ, Ba Lan là tín hiệu đáng mừng. Trong tương lai, Việt Nam nên xem xét thêm các loại visa đầu tư, visa hưu trí, hoặc visa y tế dành cho người cao tuổi muốn lưu trú dài hạn, sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp.