Hành trình phát triển du lịch xanh trong kỷ nguyên chuyển đổi
Du lịch xanh đang trở thành chìa khóa cho tăng trưởng bền vững, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra giá trị dài hạn cho cộng đồng. Lao Động có cuộc trò chuyện với TS. Phạm Hà – Chủ tịch kiêm CEO của LuxGroup, Phó Chủ tịch Liên chi hội Du lịch Xanh Việt Nam (VGTA) – về con đường chuyển đổi xanh của ngành du lịch trong kỷ nguyên mới.
Phóng viên: Thưa ông, thời gian gần đây “chuyển đổi xanh” đang trở thành từ khóa quan trọng trong ngành du lịch. Vậy cần hiểu như thế nào cho đúng về khái niệm du lịch xanh và du lịch bền vững?
TS. Phạm Hà: Du lịch xanh và du lịch bền vững thường bị nhầm lẫn, nhưng thực chất chúng có phạm vi khác nhau. Du lịch xanh tập trung chủ yếu vào yếu tố môi trường: giảm rác thải nhựa, tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện hay hướng đến trung hòa carbon (Net Zero). Đây là một phần quan trọng nhưng chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh du lịch bền vững.
Du lịch bền vững có phạm vi rộng hơn, dựa trên ba trụ cột ESG: môi trường (environment), xã hội (social) và quản trị (governance). Điều này đồng nghĩa không chỉ xanh, mà còn phải tạo ra sinh kế cho cộng đồng địa phương, bảo tồn văn hóa và đảm bảo phát triển minh bạch, có trách nhiệm. Tóm lại, xanh là một bước đi, nhưng để bền vững thực sự, cần sự cân bằng giữa cả ba yếu tố.
Phóng viên: Hiện tại Việt Nam đang ở đâu trong hành trình này, và những thách thức lớn nhất là gì?
TS. Phạm Hà: Chúng ta đang đi đúng hướng nhưng hành trình này còn nhiều chông gai. Thách thức đầu tiên là tư duy. Từ lãnh đạo doanh nghiệp cho đến nhân viên, cần thay đổi nhận thức và hành động – như cắt giảm rác nhựa, tiết kiệm điện, chuyển sang năng lượng tái tạo.
Thứ hai là chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Những hạng mục như xe điện, đèn năng lượng mặt trời, hay vật liệu tái chế cần vốn lớn, trong khi hiệu quả thường chỉ thấy rõ trong trung và dài hạn.
Thứ ba là sự đơn độc. Một doanh nghiệp không thể “xanh” nếu các đối tác – từ nhà cung ứng đến khách sạn, nhà hàng – không cùng cam kết. Ngoài ra, thiếu các tiêu chuẩn thống nhất và cơ chế kiểm toán độc lập khiến việc đo lường hiệu quả còn hạn chế, tạo điều kiện cho “greenwashing” – tức tuyên bố xanh nhưng không có cơ sở rõ ràng.
Phóng viên: Vậy đâu là giải pháp để cả hệ sinh thái du lịch cùng hướng đến mục tiêu xanh?
TS. Phạm Hà: Cần sự phối hợp đồng bộ. Doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức cho chuỗi cung ứng, yêu cầu nhà cung cấp cam kết xanh – từ nguyên liệu hữu cơ đến bao bì tái chế. Đối với khách hàng, cần truyền thông rõ ràng: vì sao tour du lịch xanh có giá cao hơn? Đó là do chi phí đầu vào lớn hơn, hay một phần được trích để bù đắp phát thải.
Liên chi hội Du lịch Xanh Việt Nam đang triển khai Bộ tiêu chí xanh gồm 250 mục, kèm theo quy trình kiểm toán độc lập để đánh giá mức độ bền vững của các doanh nghiệp. Ở Hội An, mô hình du lịch không rác thải nhựa đang được UNDP hỗ trợ và đánh giá hiệu quả minh bạch – đây là ví dụ điển hình cần nhân rộng. Quan trọng là tạo ra “làn sóng xanh”, nơi cả điểm đến, doanh nghiệp và du khách đều chung tay thực hiện.
Phóng viên: Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050. Ngành du lịch sẽ đóng góp như thế nào vào mục tiêu này?
TS. Phạm Hà: Ngành du lịch có thể đi trước trong hành trình Net Zero vì đặc thù dễ thích ứng và gắn với thị hiếu khách hàng. Du khách quốc tế, nhất là từ châu Âu và Mỹ, ngày càng ưa chuộng các sản phẩm du lịch ít phát thải carbon – như đạp xe, đi bộ, lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng sinh thái.
Một số doanh nghiệp đã triển khai thu phí bù đắp carbon – chẳng hạn 1,5 USD/khách/ngày – để trồng rừng hoặc lắp đèn năng lượng mặt trời cho vùng sâu. Tuy nhiên, muốn tiến tới Net Zero, cần đo lường phát thải chính xác, xây dựng lộ trình giảm dần cụ thể, và có đơn vị độc lập kiểm định. Khi cả chuỗi – từ vận chuyển, lưu trú đến ẩm thực – cùng chuyển đổi, mục tiêu 2050 hoàn toàn khả thi.
Phóng viên: Vậy đâu là những lợi ích cụ thể mà du lịch xanh và bền vững mang lại cho doanh nghiệp và cộng đồng?
TS. Phạm Hà: Rất rõ ràng. Với doanh nghiệp, đó là lợi thế cạnh tranh. Khách cao cấp sẵn sàng trả nhiều hơn cho những trải nghiệm có trách nhiệm – ví dụ tour không rác thải, hay tham quan làng nghề truyền thống. Các chứng nhận xanh từ tổ chức quốc tế cũng giúp gia tăng uy tín thương hiệu, giữ chân nhân sự và thu hút khách hàng.
Về mặt marketing, “xanh” là câu chuyện truyền cảm hứng. Khách hàng ngày nay không chỉ mua dịch vụ, họ muốn trải nghiệm có ý nghĩa, góp phần vào sự thay đổi tích cực. Với cộng đồng, du lịch bền vững tạo việc làm, giữ gìn di sản văn hóa, và mang lại lợi ích thiết thực. Một tour gắn với dự án lắp điện mặt trời cho vùng sâu chẳng hạn – đó là cách kết nối du lịch với phát triển xã hội.
Phóng viên: Với các doanh nghiệp mới bắt đầu hành trình xanh, ông có lời khuyên gì?
TS. Phạm Hà: Bắt đầu từ những điều nhỏ và dễ thực hiện: thay bóng đèn LED, sử dụng vòi nước cảm ứng, loại bỏ chai nhựa, cung cấp bình nước cá nhân, khuyến khích tái sử dụng khăn tắm… Quan trọng là xây dựng tư duy xanh từ trên xuống, từ lãnh đạo đến nhân viên.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức như VGTA để tiếp cận Bộ tiêu chí xanh, được hướng dẫn và kiểm toán. Giải thích rõ cho khách hàng về giá trị họ nhận được – không chỉ là trải nghiệm, mà còn là đóng góp cho môi trường và cộng đồng. Và luôn nhớ: đừng làm một mình. Cần tạo liên minh xanh với các bên liên quan để cùng đi đường dài.
Phóng viên: Làm sao để du lịch xanh trở thành xu thế chủ đạo tại Việt Nam, chứ không chỉ là nỗ lực của một số ít doanh nghiệp tiên phong?
TS. Phạm Hà: Phải biến bền vững thành bắt buộc, không phải lựa chọn. Nhà nước cần ban hành chính sách hỗ trợ như quỹ vốn xanh, ưu đãi thuế, hoặc giảm phí vận hành cho các mô hình xanh. Đồng thời, cần có bộ tiêu chí quốc gia rõ ràng với cấp độ: chuẩn – nâng cao – xuất sắc, kèm kiểm toán độc lập để chống “xanh giả”.
Các doanh nghiệp cần truyền thông minh bạch, công bố số liệu cụ thể về phát thải, rác thải… để tạo niềm tin. Và quan trọng nhất: tận dụng văn hóa, thiên nhiên và ẩm thực – vốn là thế mạnh vượt trội của Việt Nam – để xây dựng thương hiệu du lịch xanh độc đáo.
Phóng viên: Theo ông, du lịch xanh có thể giúp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trong khu vực như thế nào?
TS. Phạm Hà: Chắc chắn là có. Việt Nam sở hữu tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, di sản văn hóa đa dạng và nền ẩm thực tinh tế – hoàn toàn đủ điều kiện để dẫn đầu khu vực về du lịch xanh. Nếu biết phát huy và truyền thông đúng cách, chúng ta không cần chạy theo số lượng mà vẫn tăng trưởng doanh thu nhờ khách cao cấp chi tiêu cao.
Du lịch xanh cũng góp phần giảm thâm hụt thương mại thông qua hình thức “xuất khẩu tại chỗ”. Cần có dữ liệu thống kê chính xác về mức chi tiêu, hành vi du khách để hoạch định chính sách hiệu quả hơn. Khi kết hợp chính sách visa thông thoáng, chiến lược marketing sáng tạo và sản phẩm xanh chất lượng, tôi tin Việt Nam có thể vươn lên dẫn đầu, vượt qua các điểm đến quen thuộc như Thái Lan hay Malaysia.