Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Làm Rõ Các Khái Niệm Trong Du Lịch Bền Vững: Trách Nhiệm, Tái Sinh, Net Zero Và Net Positive

Làm Rõ Các Khái Niệm Trong Du Lịch Bền Vững: Trách Nhiệm, Tái Sinh, Net Zero Và Net Positive

Tác giả: TS Phạm Hà – Chuyên gia du lịch bền vững
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và khủng hoảng môi trường toàn cầu, ngành du lịch không thể đứng ngoài cuộc. Những thuật ngữ như du lịch có trách nhiệm, du lịch tái sinh, du lịch xanh, du lịch phát thải bằng 0 (Net Zero) hay du lịch phát thải ròng tích cực (Net Positive) đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, không ít người – kể cả trong ngành – vẫn nhầm lẫn hoặc sử dụng chưa đúng bản chất của các khái niệm này.
Bài viết này nhằm làm rõ ý nghĩa, đặc điểm và mối quan hệ giữa các khái niệm, dưới góc nhìn của một người làm du lịch tử tế, nhân văn và hướng đến tương lai.
1. Du lịch có trách nhiệm (Responsible Tourism)
Đây là nền tảng cơ bản của mọi hình thức du lịch bền vững. Du lịch có trách nhiệm đề cao trách nhiệm đạo đức của doanh nghiệp và du khách đối với điểm đến – bao gồm cộng đồng, văn hóa, môi trường và kinh tế địa phương.
Người làm du lịch có trách nhiệm cần tự đặt ra câu hỏi:
  • Hoạt động của mình có gây hại cho môi trường không?
  • Có tôn trọng và bảo tồn văn hóa địa phương không?
  • Có mang lại sinh kế và lợi ích công bằng cho cộng đồng bản địa không?
Từ khóa: Tôn trọng – Chia sẻ giá trị – Minh bạch – Công bằng
2. Du lịch bền vững (Sustainable Tourism)
Đây là định hướng phát triển dài hạn của ngành du lịch, dựa trên ba trụ cột chính:
  • Môi trường: Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
  • Xã hội: Gìn giữ bản sắc và thúc đẩy cộng đồng địa phương
  • Kinh tế: Tạo sinh kế và tăng trưởng công bằng cho điểm đến
Khác với du lịch đại trà vốn mang tính khai thác, du lịch bền vững hướng đến phát triển mà không đánh đổi tương lai, tức là không làm tổn hại đến khả năng phát triển của các thế hệ sau.
Từ khóa: Cân bằng – Hài hòa – Lâu dài – ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị)
3. Du lịch xanh (Green Tourism)
Là một nhánh trong du lịch bền vững, du lịch xanh tập trung vào yếu tố bảo vệ môi trường, giảm tối đa các tác động tiêu cực như:
  • Rác thải nhựa
  • Ô nhiễm nguồn nước
  • Khí thải carbon
  • Khai thác tài nguyên quá mức
Một doanh nghiệp du lịch xanh có thể áp dụng các biện pháp cụ thể như: không dùng đồ nhựa một lần, tái sử dụng nước, sử dụng năng lượng tái tạo, ưu tiên vật liệu địa phương, tổ chức tour thân thiện với môi trường.
Từ khóa: Sinh thái – Không rác thải – Tiết kiệm tài nguyên – Thân thiện môi trường
4. Du lịch tái sinh (Regenerative Tourism)
Đây là cấp độ tiến hóa cao hơn của du lịch bền vững. Nếu bền vững là “không gây hại”, thì tái sinh là “hàn gắn và làm tốt hơn”.
Du lịch tái sinh hướng đến khôi phục thiên nhiên, phục hồi cộng đồng và làm giàu thêm văn hóa. Không chỉ để lại dấu chân nhẹ nhàng, du lịch tái sinh góp phần tái tạo đất đai, truyền cảm hứng cho người dân và tạo mối quan hệ cộng sinh giữa du khách – doanh nghiệp – điểm đến.
Từ khóa: Hồi sinh – Chữa lành – Cống hiến – Cộng đồng gắn kết
5. Du lịch phát thải bằng 0 (Net Zero Tourism)
Đây là cam kết trung hòa hoàn toàn lượng khí nhà kính phát ra từ hoạt động du lịch, thông qua:
  • Cắt giảm phát thải trực tiếp (di chuyển, năng lượng, dịch vụ)
  • Mua tín chỉ carbon
  • Trồng rừng, bảo tồn thiên nhiên
Net Zero là mục tiêu khoa học, thường được đặt ra theo lộ trình dài hạn từ 2030 – 2050 theo các khuyến nghị của IPCC (Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu).
Từ khóa: Dấu chân carbon – Trung hòa khí thải – Hành động vì khí hậu
6. Du lịch phát thải ròng tích cực (Net Positive Impact)
Đây là đỉnh cao của du lịch bền vững, khi doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu hay bù đắp tác động, mà còn tạo ra giá trị tích cực lớn hơn cả những gì đã lấy đi.
Một doanh nghiệp du lịch “net positive” cần chứng minh được:
  • Mỗi chuyến đi tạo ra giá trị vượt trội cho con người, thiên nhiên và di sản
  • Đóng góp vào phục hồi sinh thái
  • Tái đầu tư vào cộng đồng địa phương
  • Tạo ra sự thịnh vượng chung lâu dài
Từ khóa: Tạo giá trị – Tác động tích cực – Lan tỏa hạnh phúc – Vì thế hệ tương lai
Từ “trách nhiệm” đến “tái sinh”, đi cùng tư duy tử tế
Các khái niệm trên không loại trừ nhau, mà là những nấc thang phát triển của tư duy du lịch hiện đại – từ “không gây hại”, đến “gìn giữ”, và cuối cùng là “phục hồi và kiến tạo”.
Là người làm du lịch, chúng ta không chỉ bán tour, bán dịch vụ. Chúng ta truyền cảm hứng, gìn giữ di sản, đánh thức bản sắc và lan tỏa hạnh phúc. Đó chính là hành trình chuyển hóa từ “du lịch có trách nhiệm” đến “du lịch phát thải ròng tích cực”.

Leave a comment