Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Phát triển du lịch bền vững nhìn từ câu chuyện rác thải trên vịnh Hạ Long

Phát triển du lịch bền vững nhìn từ câu chuyện rác thải trên vịnh Hạ Long

(Local Press) Để du lịch phát triển bền vững, Việt Nam nên bắt đầu từ những vấn đề nhỏ như giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải.

Vấn đề rác thải tại các điểm đến du lịch được coi như vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề trở nên nóng hơn khi thời gian vừa qua, một số khách quốc tế than phiền về tình trạng Hạ Long ngập tràn trong rác thải, đến mức “không dám bơi trải nghiệm trên vịnh”.

Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp hoạt động tại đây, rác ở khu vực vịnh Hạ Long – Lan Hạ xuất hiện trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 – trùng mùa du lịch khách quốc tế.

Tháng 9/2023, khi công nhận quần thể vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới, Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề ô nhiễm tại khu di sản và kêu gọi Việt Nam tăng cường biện pháp giải quyết.

“Khách sang trọng của chúng tôi càng cảm thấy tội lỗi khi du lịch tới đây và nhìn cảnh phản cảm này, họ không tha thứ dù dịch vụ chúng tôi rất tốt nhưng sạch sẽ cảnh quan vẫn 0 điểm, mặc dù đó là lỗi khách quan. Nhiều khách nói sẽ không quay lại vịnh Hạ Long, Lan Hạ nếu vẫn bẩn như vậy. Người làm du lịch như chúng tôi luôn thấy xấu hổ khi thấy rác nổi lềnh phềnh trên mặt biển”, đại diện một doanh nghiệp hoạt động tại Hạ Long chia sẻ.

Thực tế, rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, không chỉ là vấn đề nói riêng của Hạ Long, mà nhiều điểm đến nổi tiếng như Nha Trang, Phú Quốc, Mũi Né, Đà Nẵng,…cũng phải đốt mặt. Trên nhiều diễn dàn quốc tế, khách du lịch than phiền tình trạng rác thải là vấn đề nhức nhối của Việt Nam nói chung, từ biển đến đất liền.

“Tôi thấy đàn ông hút thuốc sau đó ném tàn thuốc ra đường hay ném vào bụi cây. Mọi người đi chơi, đi picnic xong cũng xả rác ngay tại chỗ. Người Việt Nam mến khách nhưng môi trường Việt Nam đang bị ô nhiễm, nhất là vấn đề rác thải”, vị khách có tên Ricardo viết trên Reddit.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, trước Covid-19 năm 2019, 85 triệu khách nội địa xả ra gần 61.000 tấn rác thải nhựa, 18 triệu lượt khách quốc tế thải hơn 55.200 tấn. Tổng lượng rác thải nhựa phát sinh từ khách du lịch năm 2019 là 116.000 tấn. Ước tính con số này vào năm 2030 đạt gần 340.000 tấn.

Đơn cử, tại Vịnh Hạ Long, hiện nay ước tính trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm thải ra môi trường, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển. Tạp chí Du lịch Fodor gần đây đã đưa Vịnh Hạ Long vào danh sách các điểm đến hàng năm mà du khách nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định du lịch, do vấn đề rác thải ở đây.

Trước tình hình than phiền của khác quốc tế, Thành phố Hạ Long đã tổ chức đợt cao điểm kiểm tra kết hợp ra quân thu gom rác thải trên vịnh với sự tham gia của nhiều lực lượng trong vòng 1 tháng, tính từ thời điểm 26/3.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng dọn rác chỉ là phần ngọn của vấn đề. Quan trọng là Ban quản lý Vịnh Hạ Long phải tìm ra nguyên nhân và trị tận gốc như: Điều tra, kêu gọi, nhắc nhở, phạt nặng những người xả rác.

Du khách Ged Kelly đến từ Anh đề xuất: “Nếu chính phủ Việt Nam có chính sách nghiêm khắc với những người uống rượu bia nhưng vẫn lái xe, thì cũng nên có chính sách như vậy với những người xả rác bừa bãi”.

Về phía doanh nghiệp, dù tích cực hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chủ động tham gia dọn rác cùng cộng đồng nhưng chừng ấy vẫn không đủ để kéo lại thiện cảm của khách du lịch. Ông Phạm Hà, CEO LuxGroup (www.luxgroup.vn), doanh nghiệp chuyên tổ chức dịch vụ du thuyền hạng sang, cho biết việc khách quốc tế bức xúc, truyền tai nhau và chia sẻ hình ảnh, trải nghiệm không tốt lên mạng xã hội, các trang du lịch lớn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp trong ngành, kể cả đơn vị đã được cấp chứng chỉ phát triển bền vững Travelife cấp độ 2 (Travelife Partner) như LuxGroup.

“Du lịch Việt Nam hãy bắt đầu từ suy nghĩ bền vững từ việc nhỏ nhưng không nhỏ là vệ sinh sạch, không rác thải nhựa, rồi mới các chiến lược bền vững quốc gia lớn lao hơn từ giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, hài hoà phát triển tầm nhìn dài hạn, phát triển bền vững, lấy cảnh quan thiên nhiên, di sản, con người, văn hoá làm trung tâm và thoả mãn khách du lịch nhưng cuộc sống người bản địa tốt hơn, nâng tầm di sản, không ngừng sáng tạo, không ăn mày di sản”, ông Hà khẳng định.

Leave a comment