Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tàu Lịch Sử Amiral Latouche-Tréville

Tàu Amiral Latouche-Tréville, còn được gọi là tàu Đô đốc Latouche-Tréville, là một thương thuyền nổi tiếng của Công ty Vận tải đường biển Chargeurs Réunis (Compagnie Maritime des Chargeurs Réunis) của Pháp. Nhiều tài liệu lịch sử ghi nhận rằng một thanh niên trẻ người Việt tên Nguyễn Tất Thành, sau này nổi tiếng với tên gọi Hồ Chí Minh, đã từng phục vụ trên tàu từ năm 1911 đến 1913 với vai trò phụ bếp.

Không nên nhầm lẫn tàu này với ba chiếc tàu khác cùng tên của Hải quân Pháp, được đặt theo Đô đốc Louis-René Levassor de Latouche Tréville (1745–1804).

Thông Tin Cơ Bản

Tàu Amiral Latouche-Tréville thuộc sở hữu của hãng tàu Chargeurs Réunis, còn gọi là Hãng Năm Sao do biểu trưng của hãng có hình 5 ngôi sao trên cột ống khói. Đây là một trong sáu chiếc tàu mang danh hiệu Amiral của hãng Chargeurs Réunis, gồm Latouche-Tréville, de Kersaint, Nielly, Orly, Ponty và Magon.

Chiếc tàu được đặt theo tên của Đô đốc hải quân Pháp Louis René Latouche-Tréville (1745-1804), mang số hiệu 5601960, được Hãng đóng tàu Loire (Pháp) khởi công đóng vào ngày 21 tháng 9 năm 1903 và hạ thủy vào tháng 2 năm 1904 tại Nantes. Tàu có kích thước dài 118,7m, ngang 15,2m, trọng tải 5.572 tấn, tải trọng tối đa 7.200 tấn, vận hành bằng hơi nước, sức chứa tối đa có thể đạt đến 1.100 người (kể cả thủy thủ đoàn).

Sau khi được hạ thủy, tàu được hãng Chargeurs Réunis đưa vào khai thác từ năm 1904 đến 1929. Trong Thế chiến thứ nhất, tàu từng được dùng để đưa Lữ đoàn viễn chinh của Nga, do tướng Lokhvitsky chỉ huy, từ Mãn Châu Lý sang Marseille để tham chiến cùng đồng minh Pháp. Ngày 27 tháng 2 năm 1925, tàu va chạm với tàu hơi nước Anna Skogland của Na Uy tại Havre và bị hư hỏng nhẹ. Ngày 11 tháng 3 năm 1929, tàu được cho nghỉ hưu và tháo dỡ tại Dunkerque sau 25 năm hoạt động.

Dấu Ấn Liên Quan đến Một Con Người Lịch Sử

Đầu thập niên 1920, văn phòng hãng Chargeurs Réunis ở Sài Gòn được đặt đối diện bờ sông Bến Nghé, ngay góc phố Catinat (bây giờ là Đồng Khởi), trên lầu một tiệm cà phê có bảng hiệu là La Rotonde. Ngày 2 tháng 6 năm 1911, tàu Amiral Latouche Tréville, với thuyền trưởng Louis Édouard Maisen và đoàn thủy thủ 69 người, từ Hải Phòng vào cập bến Sài Gòn. Trong dịp này, hãng Chargeurs Réunis tuyển thêm một số nhân sự làm việc trên tàu.

Trong số những người xin việc, có một thanh niên mảnh khảnh làm nghề khuân vác ở bến tàu, tên là Nguyễn Văn Ba, được nhận vào chân phụ bếp (kiêm tạp vụ), bắt đầu làm việc từ ngày 3 tháng 6 năm 1911 tại cảng Sài Gòn. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, tàu nhổ neo rời Sài Gòn để thực hiện cuộc hành trình đến Singapore.

Hành Trình của Người Phụ Bếp Trẻ

Hồ Chí Minh đã thuật lại về quãng đời làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche-Tréville trong quyển sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên. Từ Sài Gòn, chiếc tàu đến Singapore, băng qua eo biển Malacca, Ấn Độ, Ceylon, Djibouti (sừng châu Phi), vào Biển Đỏ, Port Said, và Địa Trung Hải, cập cảng Marseille (Pháp) ngày 6 tháng 7 năm 1911. Cuộc hành trình nghìn dặm xuyên qua nhiều lục địa rất vất vả, với công việc trên tàu không nhàn hạ, dậy sớm thức khuya, làm đủ mọi thứ từ lau chùi, quét dọn, tiếp tế nhiên liệu, phục vụ hành khách, phụ bếp.

Trong thời gian ngắn tàu lưu ở Marseille, Nguyễn Văn Ba được phép lên bờ thăm viếng bến Cảng Cannebière. Sau đó, tàu nhổ neo đi Le Havre ngày 15 tháng 7 năm 1911, rồi đến Dunkerque để sửa chữa tu bổ trong hơn 40 ngày. Tại đây, Nguyễn Văn Ba được thuyền trưởng Louis Édouard Maisen cho phép tự do ít ngày và về tư gia của ông tại Sainte Adresse để phụ việc làm vườn. Nguyễn Văn Ba cũng từng đến Paris để tìm gặp cụ Phan Châu Trinh.

Sau khi tàu Amiral Latouche-Tréville được tu bổ, Nguyễn Văn Ba tiếp tục cuộc hành trình đi Châu Mỹ qua bờ tây Châu Phi, viếng Argentina, Uruguay, Paraguay, Brazil, tiểu Antilles, và cuối cùng đến Mỹ vào đầu tháng 12 năm 1912. Tại Mỹ, Nguyễn Văn Ba gửi thư từ New York cho Khâm sứ Trung Kỳ ngày 15 tháng 12, ký tên Paul Tatthanh. Rời New York, tàu cập cảng Boston và quay về Le Havre vào đầu năm 1913. Nguyễn Tất Thành qua Anh quốc và lưu ngụ bên đó trong bốn năm (1913- cuối 1916).

Leave a comment