Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tiến sĩ Phạm Hà: Việt Nam cần định vị lại du lịch như một hành trình hạnh phúc – bền vững – đầy cảm xúc

Tiến sĩ Phạm Hà: Việt Nam cần định vị lại du lịch như một hành trình hạnh phúc – bền vững – đầy cảm xúc


Trong cuộc trao đổi với Báo Công Thương, Tiến sĩ Phạm Hà – Chủ tịch LuxGroup (www.luxgroup.vn) – đã chia sẻ những góc nhìn chiến lược và thực tiễn về phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu mới, từ trào lưu TikTok cho tới chuyển đổi mô hình điểm đến, từ thương hiệu quốc gia đến triết lý phát triển du lịch hạnh phúc và xanh bền vững.

Phóng viên: Thưa ông, trào lưu “Vietnam is calling” đang tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trên TikTok, thu hút đông đảo du khách quốc tế tìm đến Việt Nam để khám phá, trải nghiệm. Ông nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?

TS. Phạm Hà: “Vietnam is calling” không chỉ là một trào lưu mạng xã hội, mà là tiếng gọi nội tại của một quốc gia đang khao khát kết nối với thế giới bằng những giá trị chân thực nhất. Điều thú vị là chính những nội dung do người dùng tạo ra – những đoạn clip vài chục giây về ẩm thực đường phố, cánh đồng lúa, người bà nấu ăn, một chuyến xe buýt xóc nảy ở vùng cao – lại khiến Việt Nam trở nên gần gũi và đáng yêu đến lạ.

Tôi cho rằng hiện tượng này cho thấy sự chuyển dịch trong truyền thông du lịch: từ thông điệp áp đặt sang cảm xúc tự phát, từ quảng cáo truyền thống sang niềm tin cộng đồng. Gen Z, Millennials là những người tìm kiếm sự thật, tính nguyên bản, và họ tin vào trải nghiệm của những người giống họ, hơn là những hình ảnh được dàn dựng bóng bẩy.

Thay vì chi ngân sách lớn cho các hội chợ, roadshow hay TVC, tại sao chúng ta không khai thác hiệu quả từ nền tảng số, từ chính cộng đồng sáng tạo nội dung – những “đại sứ trải nghiệm” đầy năng lượng? Nếu có chiến lược bài bản kết hợp giữa truyền thông sáng tạo, công nghệ số và chính sách visa cởi mở, Việt Nam hoàn toàn có thể dùng TikTok như một nền tảng xuất khẩu hình ảnh quốc gia không tốn kém nhưng hiệu quả vượt trội.

Phóng viên: Trong bối cảnh cạnh tranh điểm đến toàn cầu ngày càng gay gắt, ông cho rằng đâu là yếu tố then chốt giúp Việt Nam định vị khác biệt và bứt phá?

TS. Phạm Hà: Một quốc gia muốn có sức hút bền vững thì không thể chỉ bán cảnh đẹp hay giá rẻ. Du lịch là ngành của cảm xúc – ký ức – giá trị sống. Vì thế, để định vị khác biệt, Việt Nam cần:
1. Tạo ra những trải nghiệm có bản sắc, có chiều sâu văn hóa: Du khách quốc tế ngày càng muốn tìm đến các “hành trình tỉnh thức” – nơi họ không chỉ tham quan mà được sống chậm, kết nối với con người, thiên nhiên, nghệ thuật và di sản. Việt Nam nên đầu tư cho du lịch 5 giác quan, du lịch chữa lành, du lịch nghệ thuật, du lịch có chiều sâu văn hóa – tâm linh.
2. Hạ tầng visa và chính sách thị thực phải đột phá: Chính sách visa là cửa ngõ của ngành du lịch. Một quốc gia hấp dẫn không thể để du khách vật lộn với thủ tục vào cửa. Tôi kiến nghị miễn visa 90 ngày cho công dân các nước G7, ASEAN, Úc, Ấn Độ… và xúc tiến e-visa toàn diện.
3. Đổi mới chiến lược thương hiệu quốc gia: Chúng ta cần một tuyên ngôn thương hiệu giàu cảm xúc và đầy tự hào. “Timeless Charm” đã lỗi thời. Thay vào đó, hãy mạnh dạn nói “Vietnam – Where Heritage Meets Happiness” hoặc “Vietnam – The Soulful Journey”.
4. Nguồn nhân lực tinh tế, mang hồn Việt: Sự chuyên nghiệp không phải là tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, mà là cách bạn phục vụ du khách bằng sự chân thành, thấu hiểu, và mang đến bản sắc địa phương. Hãy đào tạo đội ngũ có khả năng “kể chuyện bằng trải nghiệm”, bằng ánh mắt, bằng món ăn, bằng giọng nói – để du khách nhớ mãi.

Phóng viên: Năm 2025, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 23 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp 8% GDP. Theo ông, đâu là đột phá để đạt được mục tiêu này một cách bền vững và hiệu quả?

TS. Phạm Hà: Con số 23 triệu khách là khả thi, nhưng cách tiếp cận phải đổi khác – không thể tiếp tục làm theo tư duy “thêm người – thêm xe – thêm điểm đến”. Chúng ta phải làm du lịch tử tế hơn, thông minh hơn, cá nhân hóa hơn.

Một số giải pháp:
• Đầu tư vào sản phẩm du lịch cao cấp và độc bản: Du thuyền boutique, nghỉ dưỡng nghệ thuật, tour di sản ẩm thực, hành trình gắn với danh nhân văn hóa… là những phân khúc có tiềm năng cao.
• Ưu tiên thu hút thị trường chất lượng cao như Pháp, Úc, Mỹ, Nhật, Ấn Độ… bằng cách thiết kế hành trình phù hợp với văn hóa, nhu cầu và gu thẩm mỹ riêng của họ.
• Xúc tiến số hóa đa nền tảng: Làm marketing theo hành vi, theo vị trí, theo xu hướng – nơi khách hàng ở đâu thì truyền thông ở đó. Cần xây dựng chiến dịch quốc gia đồng bộ trên các nền tảng mạng xã hội, sử dụng AI và dữ liệu lớn để cá nhân hóa thông điệp.

Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về việc tái cấu trúc địa giới hành chính và cơ hội tái định vị thương hiệu điểm đến của các địa phương?


TS. Phạm Hà: Đây là cơ hội ngàn vàng để các địa phương vượt khỏi rào cản hành chính, định vị điểm đến theo “cụm giá trị” thay vì “ranh giới địa lý”.
1. Thương hiệu điểm đến nên theo trải nghiệm, không theo tỉnh – huyện. Ví dụ, thay vì nói “Khánh Hòa – Ninh Thuận”, hãy kể về “Vùng di sản biển Đông Dương”, “Hành trình theo dấu vua Bảo Đại”, hay “Cung đường yên bình nhất Việt Nam”.
2. Khai thác sự giao thoa văn hóa mới hình thành để kể câu chuyện hấp dẫn hơn: Kiến trúc Pháp – Champa – Việt, ẩm thực giao thoa, di sản cộng sinh… sẽ là chất liệu tuyệt vời để làm sản phẩm đặc sắc.
3. Mỗi tỉnh nên có một “Chief Experience Officer” – người chịu trách nhiệm làm thương hiệu điểm đến dựa trên trải nghiệm, thay vì chỉ là một giám đốc trung tâm xúc tiến. Bởi ngày nay, điểm đến thành công là điểm đến có cảm xúc – không chỉ có thông tin.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ thêm về triết lý “du lịch xanh và hạnh phúc” mà LuxGroup theo đuổi và tầm nhìn cho tương lai du lịch Việt Nam?

TS. Phạm Hà: Chúng tôi không xem du lịch đơn thuần là ngành dịch vụ – mà là một hành trình lan tỏa hạnh phúc và nhân văn. Từ năm 2020, LuxGroup đã xác lập tầm nhìn phát triển du lịch xanh, bền vững và hạnh phúc. Chúng tôi tiên phong loại bỏ nhựa dùng một lần, ứng dụng ESG, xây dựng sản phẩm gắn với cộng đồng và bảo tồn di sản.

Tôi mong Việt Nam trở thành “điểm đen xanh” – tức một điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch toàn cầu về phát triển bền vững. Ở đó, không chỉ du khách hạnh phúc, mà người dân – cộng đồng – doanh nghiệp – môi trường – văn hóa đều được chăm sóc, yêu thương và phát triển đồng bộ.

Chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái du lịch nhân văn, nơi mỗi chuyến đi là một lần kết nối với điều tốt đẹp, nơi “du lịch là xuất khẩu tại chỗ”, mang lại tăng trưởng kinh tế hai chữ số, nhưng không đánh đổi môi trường và di sản.

Phóng viên: Xin ông một lời kết?

TS. Phạm Hà: Hãy xem du lịch là “hành trình của những tâm hồn tử tế”. Việt Nam có đầy đủ điều kiện để trở thành một “cường quốc du lịch hạnh phúc” nếu chúng ta dám khác biệt, dám tử tế và dám kể câu chuyện của mình một cách cảm xúc.

Tôi tin rằng với chiến lược đúng đắn, sản phẩm độc bản, con người tinh tế và tư duy phát triển bền vững, Việt Nam không chỉ vượt mốc 23 triệu khách quốc tế, mà còn có thể trở thành hình mẫu của du lịch cảm xúc và xanh toàn cầu.

Leave a comment