Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Du lịch Việt Nam: ‘Visa không phải là cây đũa thần giải quyết mọi vấn đề’

Du lịch Việt Nam: ‘Visa không phải là cây đũa thần giải quyết mọi vấn đề’ Bài phỏng vấn chủ tịch CEO LuxGroup, đăng trên BBC Tiếng Việt

Dù ủng hộ và hoan nghênh quyết định của Chính phủ Việt Nam khi nâng thời gian lưu trú cho công dân của 13 nước được miễn thị thực và thời hạn visa điện tử, những người trong ngành cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết để thu hút du khách quốc tế.

Năm 2022, Việt Nam đã đón 3,66 triệu lượt khách du lịch, không đạt được mục tiêu 5 triệu người được đề ra. Trong khi đó, các quốc gia khác ở Đông Nam Á đều hoàn thành, thậm chí vượt mục tiêu của họ.

Visa là được cho là một trong những nguyên nhân của thất bại này. Theo quy định cũ, Việt Nam cấp thị thực điện tử (e-visa) thời hạn 30 ngày cho công dân 80 nước, và công dân của các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 15 ngày.

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc công ty du lịch Handspan Travel Indochina nhận định quy định cũ đã hạn chế nhu cầu của du khách.

“Khung thời gian mà khách quốc tế đi nghỉ tại Việt Nam thường là 18-21 ngày, những khách có khả năng chi trả thường ở lại lâu hơn”, ông Hoàng nói.

Ông cho biết đối với những thị trường truyền thống của công ty như khách châu Âu, đặc biệt là Anh, Pháp, Đức được miễn visa nhưng chỉ được ở 15 ngày thì không có ý nghĩa.

“Đối với những đoàn đi 18 ngày, chúng tôi thường phải đưa họ sang một nước thứ ba ví dụ như Campuchia sau 14 ngày, dẫn đến họ có thể đi du lịch luôn ở nước thứ ba thì mình sẽ mất cơ hội đưa họ quay lại Việt Nam”, ông lý giải.

Từ 15/8, Việt Nam đã áp dụng chính sách mới, cấp e-visa 90 ngày cho công dân tất cả các nước và nâng thời hạn lưu trú lên 45 ngày cho những người có hộ chiếu Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Belarus.

“Đã cởi mở hơn nhưng vẫn lạc hậu so với các nước Asean”

Trả lời BBC hôm 15/8, ông Phạm Hà, Chủ tịch tập đoàn LuxGroup cho rằng đây là một trong những động thái tốt cho ngành du lịch Việt Nam, nhưng ông nói “phải thẳng thắn thừa nhận là visa không phải là cây đũa thần để có thể giải quyết được tất cả những vấn đề của ngành du lịch”.

Theo ông Hà, Việt Nam đã cởi mở hơn trước trong vấn đề cấp visa, nhưng vẫn chưa thực sự cởi mở so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia, nêu ví dụ về việc Liên minh châu Âu đã đề xuất miễn thị thực cho công dân của 27 quốc gia trong khối EU gần đây.

“Tây Âu vẫn là thị trường truyền thống của Việt Nam nhưng xu thế mới là sau Covid khách du lịch muốn khám phá những thị trường mới và đi vào những mùa mới. Đông Âu là một thị trường mới mà Việt Nam nên cân nhắc miễn visa để thu hút họ đến nhiều hơn”, ông Hà cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng, ngoài châu Âu thì Việt Nam nên cân nhắc thêm các thị trường tiềm năng khác như Mỹ, Canada và Úc vì số lượng khách lớn và chi tiêu cũng tốt.

“Giờ là lúc xem lại các thị trường chính, mở thêm đường bay. Việt Nam là điểm đến yêu thích cho thương mại đầu tư, nên miễn visa để hút các khách cao cấp từ các thị trường này”, ông Phạm Hà nhận định.

Cả hai doanh nhân chuyên đón khách nước ngoài vào Việt Nam đều đánh giá đây là một động thái rất được hoan nghênh, và kì vọng chính sách mới sẽ tạo ra cú hích cho ngành du lịch Việt trong thời gian tới.

“Khi được ở 45 ngày du khách sẽ cảm thấy thoải mái và không bị thòm thèm, như trước đây thì trong một hành trình 15 ngày họ sẽ chia ra miền Bắc năm ngày, miền Trung năm ngày và miền Nam năm ngày thì bây giờ được tăng lên gấp ba, đến những vùng xa xôi hơn, khám phá được những điều thú vị hơn hoặc những điểm đến mà trong thời gian ngắn quá trước đó họ không đi được, để có những trải nghiệm độc đáo ở Việt Nam” ông giải thích.

Chủ tịch tập đoàn LuxGroup cho biết doanh nghiệp của ông sẽ đầu tư cho những sản phẩm mới, hướng tới đa quốc gia, lịch trình dài hơn, tập trung vào các dịch vụ trung và cao cấp để khách có thể ở lại lâu hơn và tiêu tiền nhiều hơn.

“Tôi nghĩ từ giờ đến cuối năm thì mức tăng trưởng cũng không cao lắm nhưng sang 2024 thì lượt khách và doanh thu có thể tăng ít nhất 30%”, ông Hà nói với BBC.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc công ty du lịch Handspan Travel Indochina

Vẫn cần cải thiện thêm

Ông Nguyễn Hoàng chia sẻ công ty của ông đã có nhiều vị khách được hưởng lợi từ chính sách này, nhưng ông có một băn khoăn nhỏ về đường link để xin e-visa chưa thân thiện với người nước ngoài.

Tên miền cũ “evisa.xuatnhapcanh.gov.vn” và tên miền mới “dichvucong.bocongan.gov.vn/bocongan/bothutuc/tthc?matt=26276” đều gây khó khăn cho những người nước ngoài không biết tiếng Việt, nên các công ty du lịch thường phải đưa ra hướng dẫn kĩ càng cho khách để họ tìm được trang này.
Trên Facebook của các hội nhóm cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam cũng tràn ngập các câu hỏi về đường link nào là khả dụng.

Tuy nhiên, doanh nhân này nhận định là nội dung của trang xin e-visa Việt Nam khá rõ ràng và được đánh giá là dễ hơn so với trang của các nước khác.

Trong khi đó, ông Phạm Hà đưa ra ý kiến rằng Việt Nam nên cân nhắc thêm cả việc cấp visa on arrival cho những du khách tới sân bay rồi mới lấy visa. Theo ông, có những người quyết định đến Việt Nam vào phút chót, chẳng hạn khi đang ở Thái Lan, họ thấy vui rồi thích sang Việt Nam để trải nghiệm. Nếu bị từ chối thì Việt Nam sẽ mất đi những vị khách này.

Trong năm 2023, thủ đô Bangkok của Thái Lan chỉ cách Việt Nam hơn một giờ bay đã trở thành “thành phố được ghé thăm nhiều nhất thế giới”, đã đón hơn 22 triệu lượt khách trong giai đoạn 2022-2023.

“Không phải là tất cả”

Theo các doanh nghiệp, visa chỉ là một trong số các điều kiện cần để Việt Nam có thể phát triển du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, cần có một giải pháp đồng bộ để Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á.

“Cần phải giải quyết các bài toán nội tại của Việt Nam như là sản phẩm, thể chế chính sách, nguồn nhân lực, tạo dựng thương hiệu điểm đến, xúc tiến quản lý kinh tế và đưa vào ứng dụng số hóa”, ông Phạm Hà nói.

Ông cho rằng chất lượng nguồn nhân lực và việc làm mới hình ảnh của Việt Nam, định nghĩa lại thương hiệu du lịch quốc gia là những việc cần cải thiện sớm nhất, chẳng hạn như tổ chức những chiến dịch truyền thông, xúc tiến các thông điệp có trọng tâm hơn.

“Sau dịch Covid thì du khách cũng mong muốn xem Việt Nam có những gì mới. Đối với những nội dung đã quá lâu và quá cũ thì Việt Nam cũng nên có chiến lược marketing trọng tâm và thay đổi có hiệu quả trong thời gian tới”, theo doanh nhân này.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng cho rằng trước mắt, Việt Nam nên xúc tiến để tiếp cận với các thị trường, đưa hình ảnh của Việt Nam để quảng bá nhiều hơn, đồng thời cần nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Việt Nam nên tận dụng ưu thế của các bãi biển. Mặc dù hiện nay chất lượng dịch vụ đã khá hơn so với trước đây nhưng để thu hút những dòng khách cao cấp thì chất lượng cũng phải được nâng cao đồng bộ”, ông trao đổi với BBC.

Ngoài ra, Giám đốc của Handspan Travel Indochina cũng nêu ra băn khoăn khi hiện nay có một số thị trường mới nổi lên và quan tâm Việt Nam nhưng việc xúc tiến và tiệm cận của Việt Nam vẫn chưa được mạnh mẽ.

Để cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, ông cho rằng các sản phẩm du lịch của Việt Nam nên được định hình rõ nét hơn, nêu được sự khác biệt đối với những nước khác.

Giải thích kỹ hơn, ông Hoàng nói rằng thị trường trọng điểm truyền thống như Bắc Mỹ, châu Âu, Úc, và Đông Bắc Á vẫn cần duy trì và đẩy mạnh hơn việc quảng bá và tiếp xúc với các đối tác, đồng thời cần phát triển các dòng sản phẩm mới để thu hút được những khách đã từng đến Việt Nam sẽ quay lại.

“Về phía doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần đứng đầu trong việc xúc tiến Việt Nam và cần kết hợp với các doanh nghiệp du lịch để tiếp cận các thị trường mới”, ông kết luận.

Leave a comment