Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Góc nhìn: Du lịch chờ visa

Góc nhìn – “Du lịch chờ visa”

Phạm Hà
CEO LuxGroup

Công ty tôi có đoàn khách Tây Ban Nha vào du lịch Việt Nam từ ngày 30-8 tới, họ hỏi xin visa bây giờ hay chờ sau 15-8 xem có thuộc danh sách được cấp thị thực điện tử (e-visa) không vì còn kết hợp đi tham quan Campuchia rồi trở lại Việt Nam nghỉ dưỡng ở biển…

Những doanh nghiệp (DN) lữ hành như LuxGroup đang chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai chính sách áp dụng e-visa tối đa 90 ngày khi mốc 15-8 đã tới. Việc cho phép khách quốc tế nhập, xuất cảnh không giới hạn trong vòng 90 ngày sẽ thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng lên. Điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn hơn và thu hút được nhiều du khách hơn so với các quốc gia đang cạnh tranh. Thời gian lưu trú dài phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế, nhất là thị trường xa như châu Âu, thường đi 3-4 tuần.

Đáng chú ý, sẽ có nhiều khách hàng thích trải nghiệm và quyết định đi phút chót hay khách du lịch kết hợp nhiều điểm đến và nhiều quốc gia, mang lại trải nghiệm đa dạng thông qua việc nhập, xuất cảnh nhiều lần để tham quan và nghỉ dưỡng, đặc biệt khi vé máy bay vẫn có giá cao so với thời trước năm 2019. Chính sách visa linh hoạt cũng góp phần thúc đẩy di chuyển, đầu tư và du lịch, nhất là khách hàng cảm thấy được chào đón, quy trình đơn giản và thuận tiện, họ sẽ đến nhiều hơn.

Trước đó, ngày 24-7, Quốc hội thông qua chính sách nâng hạn mức e-visa từ 30 ngày lên 90 ngày, hiệu lực từ 15-8. Cộng đồng DN và ngành du lịch đang rất nóng lòng chờ đợi giờ tới ngày chính sách visa mới có hiệu lực từ 15-8, kỳ vọng lượng khách quốc tế đến sẽ tăng trưởng 30% so với năm trước. Ngược lại, nếu chưa có văn bản hướng dẫn, việc xúc tiến, quảng bá với đối tác nước ngoài sẽ gặp nhiều khó nói các đối tác đều đánh giá tích cực về sự thay đổi trong chính sách visa của Việt Nam…

Các đối tác nước ngoài cũng cần sớm nắm thông tin để lên kế hoạch cho giai đoạn cao điểm, từ tháng 9 đến tháng 4 hàng năm, việc xây dựng các sản phẩm mới để phù hợp với điều kiện thuận lợi hơn của chính sách visa tốn khá nhiều thời gian. Đối tác cần sang trực tiếp Việt Nam khảo sát, làm việc với hãng hàng không, dịch vụ tại Việt Nam trước khi đưa ra sản phẩm mới.

Dù không phải đũa thần bên cạnh các vấn đề khác như thể chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, quản lý điểm đến, sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá… nhưng visa trong thể chế chính sách là bước đột phá cho du lịch. Về cơ bản, khi một nút thắt trong phát triển du lịch đã được gỡ, cần tiếp tục cần xây dựng một chiến lược quốc gia tổng thể để cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore… và có quy hoạch, phân bổ nguồn lực xứng đáng.

Lúc này, Việt Nam cần có một kế hoạch cấp quốc gia về phục hồi ngành du lịch và thành lập tổ chuyên trách gồm thành viên của các bộ, ngành, các DN hàng không, du lịch, khách sạn và có khả năng tổng hợp, đề xuất các chính sách sát với thực tiễn, có khả năng tham vấn cũng như theo sát và thúc đẩy việc triển khai thực hiện. Ngành du lịch cần xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tổ chức các sự kiện, lễ hội phát động du lịch quy mô lớn, tạo tiếng vang và có khả năng thu hút du khách… Định vị thương hiệu quốc gia, chuyên nghiệp; xúc tiến du lịch cần mở thị trường mới, trọng tâm, trọng điểm.

Thái Phương Nghi
Người Lao Động

Leave a comment