Hoạ sĩ Phạm Lực “kể chuyện di sản” bằng hội hoạ đậm bản sắc dân tộc
Mỹ thuật Việt Nam là lịch sử Việt Nam. Có hai thứ mà mỹ thuật xứ ta vẽ lên bức tranh lớn mỹ thuật thế giới mang đậm bản sắc dân tộc và tự hào là lụa và sơn mài. Khi ta bắt gặp những bức tranh trong bảo tàng, triển lãm, phòng trưng bày tranh đó dù tại Paris, Luân Đôn hay New York ta vẫn nhận ra tranh Việt, hồn Việt của hoạ sĩ Việt.
Lịch sử sơn mài
Riêng sơn mài có lịch sử truyền thống nghìn năm ông cha ta nđã sơn son thiếp vàng trên các hoạ tiết đình, chùa miếu mạo một cách ước lệ cho đến khi người Pháp đưa tỉ lệ và nâng tầm sơn mài lên nghệ thuật, các giáo sư mỹ thuật hàn lâm Pháp sang Việt Nam cũng khuyến khích các hoạ sĩ bản địa biểu đạt tính dân tộc trong sáng tác, tạo bản sắc riêng.
Năm 1925 trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, là nhân tố quan trọng cho sự hình thành và phát triển của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, các thế hệ họa sĩ và nhà điêu khắc như những chiến sĩ đem hết sức lực tài năng của mình phục vụ kháng chiến cho đến ngày thắng lợi. Hòa bình thống nhất đất nước, các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc và những người làm công tác mỹ thuật tiếp tục đóng góp công sức rất lớn trong việc đặt nền móng cho sự nghiệp mỹ thuật nước nhà.
Việc phát hiện và phát triển kỹ thuật tranh sơn mài đã tạo nên sức ảnh hưởng và tác động vô cùng lớn đối với nền hội họa Việt Nam nói riêng và hội họa Á Đông nói chung. Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Khang, Trần Đình Thọ,… là những cái tên tiêu biểu khi nhắc tới nghệ thuật hội họa sơn mài truyền thống Việt Nam.
Trong dòng chảy mỹ thuật Việt Nam, hoạ sĩ Phạm Lực (1943) sống qua hai thế kỷ, nếm trải ba cuộc chiến tranh vệ quốc, ông sinh ra ở Huế, con vị quan nhỏ triều Nguyễn, mẹ ông chắt ngoại đại thi hào Nguyễn Du, khi biết sắp có biển cố lớn đất nước, cha ông đưa ông từ Huế ra Hà Tĩnh, xuất thân miền quê ven biển, lớn lên trong hình ảnh làng quê thuần Việt, những di sản dân tộc từ trang phục, lễ hội, đình chùa, cầu thơ văn cổ hay di sản phi vật thể trong tư duy dân tộc hình thành trong máu hoạ sĩ và ông đã biểu đạt qua tranh vẽ bằng đủ các loại chất liệu.
Tính Dân tộc
Hội họa sơn mài là một trong những thành công của hoạ sĩ bậc thầy Phạm Lực, tranh sơn. Ông làm chủ cả kỹ thuật sơn mài truyền thống sơn ta Phú Thọ để biểu hiện ngôn ngữ tạo hình theo xu hướng hiện đại, và chất liệu mới như tranh sơn đảm bảo phẳng bóng trong sâu, mỹ cảm, chất sơn không còn quan trọng.
Nhìn vào một bức tranh sơn mài, chúng ta thấy rất rõ tính dân tộc ở kỹ thuật và chất liệu. Vẽ, đắp nổi, pha độn màu, mài, gắn vỏ trứng, thếp vàng, bạc, vỏ sò, vỏ xả cừ,… chỗ mài phẳng, chỗ ghồ ghề, chỗ biểu cảm nét, chỗ bộc lộ chất,… tạo ra biết bao hiệu quả tạo hình thẩm mỹ bất ngờ.
Càng nhìn càng thấy lung linh huyền ảo, ẩn chứa sâu kín dưới tầng tầng lớp lớp chất son no đầy óng ả, lộng lẫy, huy hoàng; no về chất, đầy về lượng, sâu thẳm không gian. Sơn mài hiện đại không đánh mặt tranh bóng mượt như gương mà thường đánh nhẵn vừa độ, nhiều chỗ không đánh bóng để lấy hiệu quả về chất.
Chính vì vậy tạo cho sơn mài Phạm Lực một hiệu quả thẩm mỹ bất tận. Nhìn vào một bức tranh như bức sơn mài tuyệt tác “Ngũ Tấu”, ngũ cung mà tôi đã sưu tập được, nghệ thuật thị giác miêu tả chân thực nghệ thuật âm nhạc truyền thống, chúng ta sẽ thấy đầy đủ sức lực, tâm tuyệt khí tuyệt, tính chất, cốt cách của người vẽ, của triết lý thẩm mỹ dân tộc, triết lý phương Đông.
Đến đây, có thể nói rằng tính dân tộc và tính hiện đại trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam bao hàm rất nhiều yếu tố: phong tục, tập quán, lối sống, ứng xử, cốt cách, tâm hồn, quan niệm thẩm mỹ, truyền thống… bao trùm đó là văn hóa.
Mà văn hóa là những gì con người tạo ra và để lại trong quá trình hình thành và phát triển của một cộng đồng người. Nó bao gồm cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Hay văn hóa là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội.
Một Tuyệt tác sơn mài “Ngũ Tấu”
Bức tranh sơn mài khổ lớn này đã có tuổi đời 30 năm, góc trái các nhận hoạ sĩ vẽ và ký năm 1994.. Lịch sử nguồn gốc tác phẩm được hoàn thành với cảm hứng và giúp sức của nàng thơ, cô nhân tình của hoạ sĩ, cô Phương người vùng Kinh Bắc này. Cô ấy trẻ sống hoạ sĩ như nàng thơ cho cảm xúc thăng hoa, tâm tuyệt khí tuyệt khi hoàn thành tác phẩm nên rất vui tươi, xốn xang, yêu đời, đầy chất nhạc và thơ. Tranh cao 1,2m *2.,4m trên một một tấm gỗ quý chứ không phải nhiều tấm ghép lại. Tác phẩm tranh sơn mài này sau được bán cho một nhà sưu tập và buôn đồ cổ có tiếng Bắc Ninh. Do thất bát thua lỗ, nhà sưu tập gán nợ bức tranh khổ lớn này có một không hai này cho chủ đề. Người viết cũng là nhà sưu tập phải tạm ứng tiền lớn để vợ ông buôn đồ cổ này ấy chuộc lại bức tranh sơn mài quý này. Đó là duyên của quý vật tìm thấy quý nhân, mà quý vị được chiêm ngưỡng thưởng lãm bức sơn mài tuyệt tác độc bản của hoạ sĩ được ví như Picasso Việt Nam: Phạm Lực.
Khí phách phủi phủi ngang tàng, rậm râu, sâu mắt, chất hoạ sĩ, chiến sĩ, nội tâm là một hoạ sĩ yêu nước, thương nòi, luôn ý thức mình là người Việt Nam, vẽ rất tây mà thể hiện được cái ta, Phạm Lực thể hiện tính dân tộc trong các bức vẽ, các chất liệu như là hơi thở, như máu hoạ sĩ biểu đạt lên tranh một cách tự nhiên, có khi cụ thể có khi vô hình như tà áo dài, tóc dài thiếu nữ, nội tâm, tư duy, tuồng chèo, ý tứ thơ văn, hay nhân vật lịch sử, hay như bức hoà tấu năm nhạc cụ dân tộc này.
Bố cục, đường nét, mầu sắc bức tranh không thể tuyệt vời hơn, biểu đạt buổi hoà nhạc buổi tối với 5 nhạc cụ dân tộc, là đàn tranh, đàn có, đàn bầu, sáo và đàn đáy. Năm nhạc công với tranh phục truyền thống, đang cảm nhạc và biểu diễn theo điệu nhạc với các tư thế khác nhau, hoà bản nhạc ở các nốt cao thấp khác nhau. Tuyệt tác là các nốt nhạc dân tộc khác nhau, nhưng đàn bầu biểu trưng ở giữa, có lẽ là hoà tấu đàn bầu bản nhạc dân tộc, chất liệu ngũ cung.
Cần trứng mềm mại giữa các thành viên ban nhạc, các nhạc cụ vị trí cao thấp khách nhau, làm người xem liên tưởng và như được nghe bản nhạc thuần Việt. Ngũ Cung là một âm giai với 5 nốt nhạc trong mỗi quãng tám. Trên thế giới, Ngũ Cung là một trong các chất liệu phổ biến trong các bản nhạc mang đậm tính dân tộc nhằm thể hiện sức hút truyền thống. Ngũ cung trong âm nhạc được ví von như “vật dẫn”, giúp bài hát có thể chuyển tải dễ dàng màu sắc dân tộc với sự kết hợp các nhạc cụ truyền thống như: Đàn tranh, bầu, sáo trúc…
Và trong đó, những quốc gia châu Á như Ấn Độ hay Việt Nam, cũng dùng Ngũ Cung để thể hiện màu sắc âm nhạc dân tộc của mình. Riêng tại Việt Nam, với 5 âm này các nhà soạn nhạc đã biến hóa chúng trở nên lắc léo hơn… Theo nhiều tài liệu, người Việt đem cả những tâm tư triết lý sống vào 5 âm này. Cụ thể, 5 âm này gồm: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống tương ứng với Sol, La, Đô, Rê, Mi. Ngũ Cung tượng trưng cho Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ.
Hiện đại
Tính hiện đại trong nghệ thuật tạo hình được biểu hiện trong phương pháp nhận thức thời đại phù hợp với quan niệm thẩm mỹ của thời đại mới. Trong thủ pháp xử lý kỹ thuật chất liệu ngôn ngữ nghệ thuật, trong phong cách biểu hiện ngôn ngữ đặc thù để tạo ra những giá trị mang tính thời đại mà người sáng tạo ra đang sống. Theo dòng lịch sử và thời gian, tính dân tộc và hiện đại cũng sẽ có sàng lọc và rơi rụng. Nhưng ngược lại cũng có những bồi đắp thêm.
Cái gì hay, đẹp và có giá trị thì lưu truyền tồn tại. Cái gì chưa hay, chưa đẹp, chưa có giá trị thì dần dần bị loại trừ. Nghệ thuật tạo hình tạo ra những giá trị vật thể trông thấy được, sờ mó được cùng với thời gian. Do vậy không thể khen nhiều mà được hay chê nhiều mà nên. Thời gian sẽ rất khách quan công bằng với nghệ thuật.
Người nghệ sĩ đam mê lao động sáng tạo cho nghệ thuật bao nhiêu thì sẽ nhận lại được chân giá trị của nghệ thuật bấy nhiêu. Cho nên, tốt nhất người nghệ sĩ phải hoàn toàn chìm trong bóng tối để đưa ra ánh sáng bản thể của nghệ thuật. Cũng không nên tự ti mặc cảm. Ngược lại cũng không nên tự hào ngộ nhận quá đáng.
Không nên đem nghệ thuật phương tây so với ta để rồi nói rằng ta lạc hậu yếu kém. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng, nghệ thuật riêng. Không ai phủ nhận những tinh hoa nghệ thuật thế giới, tinh hoa nghệ thuật dân tộc.
Vấn đề là tiếp thu có chọn lọc để bồi đắp cho nền nghệ thuật của mình thêm phong phú đa dạng và ngày càng cao hơn trước. Đó mới là ý nghĩa của sự hội nhập và phát triển, tự do sáng tạo nghệ thuật. Để xây dựng một nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc nhưng không thiếu tính hiện đại.
Đấy là một ví dụ cụ thể của dân tộc và hiện đại trong tác phẩm sơn mài Ngũ Tấu này của hoạ sĩ dân tộc Phạm Lực.
Ông Phạm Hà là Chủ tịch kiêm CEO LuxGroup và là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực du lịch sang trọng. Ngoài lĩnh vực kinh doanh, ông còn là một người say mê sưu tập tranh, đồ cổ, viết báo về thương hiệu, kinh tế, quản trị kinh doanh và sách về di sản văn hóa, lịch sử và mỹ thuật.