Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Phát triển Du lịch Đêm: Mỗi Địa Phương Cần Có Sản Phẩm Mang Dấu Ấn Riêng

Phát triển Du lịch Đêm: Mỗi Địa Phương Cần Có Sản Phẩm Mang Dấu Ấn Riêng

Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng để phát triển du lịch đêm cần có thêm các cơ chế, chính sách và quy hoạch phù hợp. Đồng thời, cũng đặt ra nhiều thách thức về công tác kiểm soát và quản lý của cơ quan chức năng trong thời gian tới.

Đề án Một số Mô hình Phát triển Sản phẩm Du lịch Đêm tại 12 tỉnh, thành phố do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2023 nhằm mục đích thu hút du khách, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Nhiều đại biểu cho rằng với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thời tiết của Việt Nam, du lịch đêm là một hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn thành phố Hà Nội, sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng và đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách. Hiện nay, sản phẩm du lịch đêm chủ yếu tập trung vào các loại hình văn hóa, nghệ thuật đường phố và ẩm thực, mới chỉ thu hút và đáp ứng được một phần nhu cầu của khách. Đây là một vấn đề mới và khó, phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách của các vùng miền và thị hiếu, tập quán, thói quen, nhu cầu của người tiêu dùng.

Vì vậy, mỗi địa phương phải biết tận dụng thế mạnh của mình để xây dựng sản phẩm mang dấu ấn riêng. Đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu ý kiến: “Kinh tế là ngành liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau, phải thay đổi đồng bộ, đặc biệt là liên quan đến các chính sách. Chúng ta mới chỉ quan tâm đến công việc diễn ra vào ban ngày. Khi công việc chuyển sang ban đêm thì phải có hành lang chính sách và luật phù hợp với đời sống ban đêm; hoặc làm sao gắn kết bản sắc văn hóa địa phương với việc tạo ra những sản phẩm đặc thù, tránh tình trạng ở địa phương này có sản phẩm này và ở địa phương kia cũng có sản phẩm như vậy.”

Theo đại biểu Trần Kim Yến – Đoàn TP.HCM, phát triển du lịch đêm sẽ thúc đẩy sự phát triển và đầu tư trong ngành du lịch, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch đêm ở nhiều địa phương chưa có sự khác biệt, khó tạo ra điểm nhấn cho từng vùng miền. Nhiều địa phương đã đưa khu vực du lịch đêm vào hoạt động nhưng chỉ được một thời gian ngắn vì không có khách.

Đại biểu Trần Kim Yến cho rằng, những sản phẩm du lịch đêm phải đặc sắc mới thu hút được du khách trải nghiệm: “Du khách muốn tận dụng tối đa thời gian tại một điểm đến để có thể hưởng thụ và khám phá tất cả những đặc sản, kể cả về ẩm thực và văn hóa vùng đất đó. TP.HCM cũng mong muốn như vậy, để du khách có thể tận dụng thời gian của mình. TP.HCM đang khai thác hiệu quả tuyến sông Sài Gòn, cũng dần dần hình thành nên nét rất đặc trưng.”

“Khách Tây đi bộ rồi mang tiền về… ngủ”

Trả lời Dân Trí, tiến sĩ Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO của LuxGroup, nhận định Việt Nam “làm chưa tới” trong việc khai thác du lịch đêm. Ông cho rằng nhiều địa phương hiểu chưa đúng về “du lịch đêm,” nên chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ ẩm thực, đi chơi, bán vài món đặc sản…

Ông Hà nhấn mạnh du lịch đêm là tổng hợp toàn bộ trải nghiệm “tạo ra tiền,” lấy khách hàng làm trung tâm, với các hoạt động tại các điểm đến đủ hấp dẫn và giàu cảm xúc, chứ không phải “du khách đi bộ lèo tèo rồi về ngủ.”

Du lịch đêm phải phục vụ du khách tối đa, để họ được “mệt rồi về nghỉ,” chi đến đồng tiền cuối cùng, khi rời địa phương sẽ “hẹn lần sau trở lại.”

Thời gian qua, Hà Nội và nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động du lịch để phát triển kinh tế đêm như: tour du lịch, các khu chợ cho khách vui chơi, các sản phẩm du lịch đêm…

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, các dịch vụ phát triển kinh tế đêm chưa thực sự phong phú, doanh thu từ khách du lịch còn thấp, nhất là các dịch vụ sau 0h.

Theo ông Hà, du khách, đặc biệt là khách Tây, chưa chi tiêu nhiều là do các sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam không thú vị và không liên kết, không tạo ra được các trải nghiệm “thâu đêm, suốt sáng.”

“Chúng ta chủ yếu tổ chức các hoạt động ăn uống, đi bộ. Du khách đang vui thì phải đi về,” ông Hà nói.

Chủ tịch LuxGroup lấy ví dụ tại Thái Lan, du khách chi tiêu trung bình gấp 3 lần tại Việt Nam, phần lớn thời gian chi tiêu là sau 18h.

Để tạo điều kiện cho các sản phẩm về đêm, tháng 12/2023 Thái Lan cho phép các quán bar, câu lạc bộ đêm và các địa điểm giải trí khác mở cửa đến 4 giờ sáng. Việc kéo dài thời gian chỉ được phép thực hiện ở 5 địa điểm nổi tiếng về các hoạt động giải trí ban đêm như: Bangkok, Phuket, Ko Samui, Pattaya và Chiang Mai.

Quyết định nới lỏng này ngay lập tức đã tạo ra cú hích, khiến lượng khách đến Thái Lan tăng vọt. Chỉ trong tháng 12, chính phủ nước này đã thu được hơn 54,4 tỷ baht (1,6 tỷ USD) từ du lịch, tăng 44% so với một năm trước đó, phần lớn đến từ việc kéo dài thời gian về đêm và sự kiện đếm ngược mừng năm mới.

Cũng ở châu Á, Thượng Hải (Trung Quốc) vài năm nay bắt đầu quảng bá cho các rạp chiếu phim mở cửa 24/24. Để tăng thời gian lưu trú và số tiền chi tiêu của khách du lịch, Bắc Kinh đã kéo dài thời gian hoạt động của các tuyến tàu điện, bổ sung thêm các tuyến xe buýt đêm. Họ lên kế hoạch thiết lập một chuỗi nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, rạp chiếu phim và cả hiệu sách mở cửa 24/7 quanh các ga tàu. Thành phố cũng dự định xây 16 chợ đêm và biến 10 con phố thành phố ăn đêm chuyên biệt.

Du lịch đêm tại Việt Nam tạo cảm giác buồn và chán nản, du khách mang tiền đến rồi lại mang về, vì buổi tối không biết chi tiêu vào đâu, họ chỉ đi bộ rồi về ngủ.

Ông Phạm Hà cho rằng có nhiều rào cản phát triển du lịch đêm. Thứ nhất, chính quyền địa phương “chưa mặn mà” với du lịch đêm, không lấy du khách làm trung tâm.

Chính quyền còn lúng túng trong quản lý các hoạt động về đêm, sợ mất an ninh trật tự địa phương. Nhiều “sự cấm cản” đã khiến các nhà đầu tư nản lòng, du khách buồn chán bỏ sang các nước lân cận.

“Nhà đầu tư vui thì mới tạo ra những trải nghiệm cho khách hàng vui. Vui là cái quan trọng nhất của kinh tế đêm,” ông Hà nói.

Nhìn vào các thành phố ở các nước láng giềng đã thành công với mô hình kinh tế đêm, dễ nhận ra có một đặc điểm là họ quy hoạch phân khu tập trung, biến các tụ điểm giải trí và dịch vụ ban đêm trở thành một tổ hợp, nơi các hoạt động mua sắm, giải trí và ẩm thực diễn ra thâu đêm suốt sáng, nơi du khách có thể trải nghiệm trọn vẹn chuyến đi từ phút đầu đặt chân tới đến lúc rời đi.

Theo ông Hà, mỗi địa phương đều có những tiềm năng riêng để phát triển du lịch đêm. LuxGroup (www.luxgroup.vn) đã khai thác tour du thuyền trên vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ, Nha Trang, sắp tới là trên sông Sài Gòn để khách trải nghiệm ngắm hoàng hôn, thưởng nhạc và ăn tối.

Nhưng tất cả chỉ diễn ra trong một số khung giờ cố định theo yêu cầu của chính quyền địa phương, dù du khách có nhu cầu ở lại lâu hơn.

Nhu cầu của từng dòng khách cũng khác nhau. Đơn cử như tại Hạ Long (Quảng Ninh), khách châu Âu thích những tour ngủ đêm trên vịnh để trải nghiệm sự tĩnh lặng, trong khi khách châu Á thích sự sôi động của những thành phố không ngủ, chơi thâu đêm để tiêu sạch tiền.

Thứ hai, một số địa phương có hoạt động ban đêm, nhưng dịch vụ còn hạn chế và đơn điệu, chủ yếu tập trung vào ăn uống. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng để thu hút đầu tư.

Thứ ba, tâm lý e ngại các hoạt động dịch vụ về đêm của cộng đồng cư dân bản địa, sợ ồn ào, mệt mỏi ảnh hưởng đến công việc hôm sau của mình.

“Ngoài chính sách và cơ chế, chúng ta nên cởi mở về tư duy, đổi mới nhìn nhận để ‘lôi kéo’ khách du lịch trở lại nhiều lần,” ông Hà nói.

Từng đi và trải nghiệm du lịch đêm tại nhiều quốc gia, ông Hà nhận định điểm mấu chốt của vấn đề là “khách muốn gì thì phải đáp ứng nhu cầu đó để họ sẵn sàng rút hầu bao.”

Thái Lan – đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam – thường xuyên thay đổi trải nghiệm cho du khách với những hoạt động về đêm “không thiếu gì, miễn là khách có tiền.” Các hoạt động mang tính liên kết như: đi du thuyền trên sông, các chương trình biểu diễn.

“Những gì du khách mong muốn, đều có tại Thái Lan. Họ đổi mới và sáng tạo khiến du khách rút đến đồng tiền cuối cùng vẫn cảm thấy vui. Bởi họ thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế tạo ra tiền,” ông Hà cho hay.

Cũng trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 5/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng để giải bài toán phát triển kinh tế, du lịch đêm, thì các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm phát triển kinh tế đêm.

Cùng với đó, chính quyền cần có chính sách và chế độ cho những người tham gia (như diễn viên biểu diễn chương trình nghệ thuật, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự…) và nghiên cứu phát triển thị trường.

Các địa phương cũng cần phối hợp với Bộ trong phát triển một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để tăng thêm trải nghiệm cho du khách. Chẳng hạn, các tỉnh có thể mở thêm các cửa hiệu mua sắm, sản phẩm ẩm thực…

Làm được những việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tin sản phẩm du lịch đêm sẽ tránh đơn điệu và thành công hơn.

Leave a comment