Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tinh thần Việt Nam qua thương hiệu Bình Chuẩn suốt ba thế kỷ qua

Tinh thần Việt Nam qua thương hiệu Bình Chuẩn suốt ba thế kỷ qua

平準“, “bình chuẩn” theo từ điển Hán Nôm nghĩa là bằng đẳng, bằng nhau, bình đẳng. “Bình Chuẩn Ty” là do Tiến sĩ – nhà nho cấp tiến Đặng Huy Trứ thời vua Tự Đức triều Nguyễn (1802-1945) chủ trương cải cách mọi mặt, chú trọng công thương nghiệp, kinh doanh, thương mại, canh tân đất nước. Ông chủ trương đóng tàu thuyền bằng kỹ thuật Châu Âu, mở mang giao thương với nước ngoài.

Ứng dụng kỹ thuật đóng tàu tân tiến, người ta đóng được tàu Tây. “Tàu Bình Chuẩn” thế kỷ 20 là thương hiệu mà doanh nhân yêu nước Bạch Thái Bưởi đặt cho tàu lớn nhất mà cụ đã thiết kế, đóng mới và hạ thủy thành công tại Hải Phòng năm 1919 và cập cảng Sài Gòn năm 1920 nhằm tiếp tục cổ vũ canh tân đất nước và “Phong trào chấn hưng thương trường cổ động thực nghiệp”.

Sau đúng 100 năm, một tuyệt tác độc bản trong lòng di sản cảm hứng từ con tàu huyền thoại và vua tàu thủy Bạch Thái Bưởi, một thương hiệu Heritage Cruises mới ra đời, hồi sinh di sản, viết tiếp câu chuyện du thuyền made-in-Vietnam: “Heritage Bình Chuẩn” thế kỷ 21.

Bình Chuẩn Ty thế kỷ 19

Theo Wikipedia, nhà nho cấp tiến – tiến sĩ Đặng Huy Trứ thời vua Tự Đức lập ra Ty Bình Chuẩn lo phát triển kinh tế và ngoại thương cho triều đình nhà Nguyễn. Ông là nhà cải cách, gieo mầm canh tân và khai hóa thời Nguyễn giữa thế kỷ 19 với tư tưởng phát triển kinh tế (khai mỏ, mở mang thủ công nghiệp và thương nghiệp, phát triển giao thông vận tải).

Ông chủ trương phát triển khoa học quân sự (đưa ra tư tưởng chiến tranh nhân dân cho mọi chiến lược và chiến thuật, cử người đi học hỏi những kỹ nghệ phương Tây như đóng thuyền, chế tác vũ khí); cải cách xã hội (chống tư tưởng trọng văn khinh võ, chống hối lộ – tham nhũng, nhấn mạnh đức tính cần kiệm liêm chính – chí công vô tư của quan lại).

Ông lập ra các thương điếm như Lạc Sinh Điếm, Lạc Thanh Điếm và Ty Bình Chuẩn để giao thương với phương Tây, tạo dựng nền tảng tài chính và quân sự cho triều đình nhà Nguyễn trong những năm 1850-1870. Không giống những nhà canh tân cùng thời, Đặng Huy Trứ là nhà canh tân dám dấn thân, canh tân dựa vào dân và làm lợi cho dân (công tư lưỡng lợi), dấn thân đến tột cùng.

Tàu Bình Chuẩn thế kỷ 20

Một sự kiện làm rạng danh ngành đóng tàu Việt Nam ngày 7/9/1919 chính là nhà công nghiệp xứ Bắc Kỳ, cụ Bạch Thái Bưởi (1874-1932), cho hạ thủy thành công tại nhà máy đóng tàu riêng trên bờ Sông Cấm (Hải Phòng), xứ Bắc Kỳ, chiếc tàu Bình Chuẩn, được ca ngợi là tàu hơi nước lớn nhất lúc bấy giờ.

Điều đáng tự hào là chiếc tàu hơi nước này hoàn toàn do người An Nam tự thiết kế, thi công đóng mới và hạ thủy thành công tại nhà máy đóng tàu đầu tiên do chính người Việt sở hữu. Tàu dài 42m, rộng 7,2m, cao 3,6m, trọng tải 600 tấn, động cơ 450 mã lực, chạy bằng hơi nước, vận tốc đạt 8 hải lý/giờ.

Đây là niềm tự hào không chỉ riêng chủ tàu xứ Bắc Kỳ mà còn là sự tự hào của giới công thương nghiệp, tầng lớp tiểu tư sản người An Nam lúc bấy giờ về thành tựu to lớn về công nghệ đóng tàu bản xứ.

Tàu Bình Chuẩn chạy thành công chuyến đầu tiên dọc bờ biển Việt Nam từ Hải Phòng ngày 20 tháng 8 năm 1920 và cập cảng Sài Gòn chuyến đầu vào đúng ngày 17 tháng 9 năm 1920 trong sự chào đón nhiệt thành của giới công thương và tư sản, vinh danh tàu An Nam đầu tiên cập cảng Sài Gòn. Có lẽ từ đây xuất hiện danh hiệu vua tàu thủy Việt Nam dành cho cụ Bạch Thái Bưởi.

Về việc đặt tên tàu sao cho đúng tầm cỡ và ý nghĩa lớn lao, cụ Bạch đã băn khoăn và suy nghĩ nhiều. Theo chị Bạch Quế Hương, chả lẽ lại lấy tên mình Bạch Thái Bưởi đặt tên cho tàu mới đóng thì kỳ lắm. Sau nhiều đêm suy tính cùng các thành viên gia đình và tâm phúc của mình, cụ Bạch Thái Bưởi đã quyết định chọn “tàu Bình Chuẩn”. Vậy Bình Chuẩn có ý nghĩa gì?

Như đã nói ở trên, “Bình Chuẩn Ty” có từ thời vua Tự Đức (1829-1883), do nhà nho cấp tiến – tiến sĩ Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) đề xuất. Ông là một nhà cải cách Việt Nam, ông tổ nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam và là người đầu tiên đưa kỹ nghệ đóng tàu phương Tây du nhập vào Việt Nam.

Năm 1866, Đặng Huy Trứ được cử làm Biện lý bộ Hộ. Ông đề xuất với triều đình thành lập Ty Bình Chuẩn đặt tại Hà Nội để lo việc kinh doanh buôn bán, gây dựng tài chính cho quốc gia. Đề xuất của ông được vua Tự Đức chấp thuận. Ông được cử ra Hà Nội lập Ty Bình Chuẩn, giữ chức Bình chuẩn sứ, có nhiệm vụ kinh doanh buôn bán, gây dựng tài chính cho quốc gia, giao thương hàng hóa giữa các vùng miền trong nước và ngoại thương, bang giao với nước ngoài.

Giới nghiên cứu nêu một phát hiện thật có ý nghĩa rằng dù tiếp xúc thường xuyên với người Pháp, học tập kỹ thuật tân tiến của người phương Tây, nhưng “cội nguồn dân tộc” và “tinh thần dân quốc phú cường dành độc lập”, “canh tân đất nước” trong cụ Bạch Thái Bưởi lúc nào cũng cháy bỏng. Ông luôn trân trọng và tiếp nối tinh thần cải cách của tiền nhân theo xu thế thời đại, chú trọng thực nghiệp và giao thương buôn bán, đề cao thể hiện qua việc đặt tên Bình Chuẩn.

Cái tên “tàu Bình Chuẩn” khái quát được toàn bộ ý nguyện chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp, phát triển công thương nghiệp của Bạch Thái Bưởi theo phong trào Duy Tân, theo gương cụ Phan, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, cải cách, đấu tranh bất bạo động, dân quốc phú cường giành độc lập thống nhất ba miền. Cụ mong muốn quốc gia hưng thịnh và thống nhất bằng tinh thần dân tộc và quý tộc Việt: thành tín, đạo nghĩa và trách nhiệm.

Du thuyền Heritage Bình Chuẩn thế kỷ 21

Chị Bạch Quế Hương nói rằng tôi như người được cụ Bạch Thái Bưởi chọn để kế nghiệp. Cũng có thể là sự tình cờ của lịch sử, một người sinh sau cụ Bạch Thái Bưởi đúng 100 năm. Tôi thực hiện giấc mơ du thuyền thời thơ ấu bằng việc hạ thủy con tàu lớn nhất đời tôi, cũng là du thuyền ngủ đêm lớn nhất vịnh Bắc Bộ. Điều kỳ lạ, thực sự hy hữu, tàu mới này hạ thủy sau tàu Bình Chuẩn đúng 100 năm cũng tại vùng nước lịch sử Hải Phòng. Tròn một thế kỷ trước, cha đẻ của dịch vụ ngủ đêm trên du thuyền đã hạ thủy tàu Bình Chuẩn.

Điều đặc biệt là cái tên Bình Chuẩn được chị Bạch Quế Hương, chắt nội của doanh nhân Bạch Thái Bưởi, dành tặng cho tôi. Chị Hương đặt tên này khi theo dõi hành trình tâm huyết của tôi, với khát vọng chinh phục các con sông Bắc Kỳ và vươn ra biển lớn, theo gương nhà cựu thương Bạch Thái Bưởi, nêu cao tinh thần kinh doanh, tôn vinh giá trị di sản và tinh thần Việt, và con đường thành công bằng sự tử tế của cụ Bạch Thái Bưởi. Chị ấy hay gọi đùa tôi là Bạch Thái Hà.

Du thuyền Heritage Bình Chuẩn từ lúc lên ý tưởng, đóng mới đều được chị Bạch Quế Hương ủng hộ nhiệt tình và nhận làm mẹ đỡ đầu cho con tàu khi hạ thủy. Chính vì vậy mà thương hiệu du thuyền Heritage Bình Chuẩn – Di sản Bình Chuẩn thế kỷ 21 ra đời đúng tháng 7 năm 2019 tại Hải Phòng. Đây là tàu lớn nhất Vịnh Bắc Bộ, hồi sinh một di sản lớn lao của dân tộc và gắn nhiều với số 7 kỳ diệu.

Tôi tự hào và đặt tên du thuyền Heritage Bình Chuẩn, là tên di sản của con tàu lừng lẫy của “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi, với mong ước viết tiếp giấc mơ du thuyền Việt Nam cập bến năm châu, làm rạng danh người Việt và để “người Việt đi tàu Việt” như cụ từng mơ ước.

Tôi thực sự mong muốn người Việt mình khi nghe thấy Bình Chuẩn sẽ gợi nhớ một ký ức lịch sử sống dậy đầy kiêu hãnh về con tàu “made-in-Vietnam” đầu tiên trong lịch sử của nhà công nghiệp và quý tộc đáng kính Bạch Thái Bưởi. Còn du khách nước ngoài sẽ ấn tượng với những hình ảnh đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, mỹ thuật, di sản, lịch sử, con người và tinh thần Việt Nam trên không gian di sản độc nhất vô nhị như du thuyền Heritage Bình Chuẩn.

Du lịch giờ đây tất cả là điểm đến, trải nghiệm và ký ức. Mỗi điểm đến đều có những bí mật, những câu chuyện, kho báu về ẩm thực, thiên nhiên, văn hóa nghệ thuật, di sản, lịch sử và con người của vùng đất đó. Đấy chính là điểm lôi cuốn lữ khách tới để tìm tòi, khám phá, tận hưởng, thư giãn, hòa mình vào di sản văn hóa và thiên nhiên.

Như chính cái tên Bình Chuẩn có nhiều điều để tìm tòi khám phá, đấy cũng chính là ý tưởng boutique, mỗi chi tiết đều có câu chuyện để kể. Điểm khác biệt độc đáo này là lý do khiến du thuyền Heritage Bình Chuẩn được nhiều tạp chí sang trọng trong và ngoài nước đánh giá là “kiệt tác độc bản trong lòng di sản”, “tuyệt tác giữa kỳ quan” và “du thuyền độc nhất vô nhị giữa thiên đường”, “du thuyền boutique tốt nhất thế giới do World Cruise Awards để cử” mang một thương hiệu lịch sử hàng trăm năm xuyên ba thế kỷ.

Chuyến du ngoạn trên du thuyền Heritage Bình Chuẩn (https://www.heritagecruises.com) đem đến cho quý vị cảm giác tự hào, một trải nghiệm đầy cảm xúc về miền ký ức trên hành trình khám phá di sản văn hóa – nghệ thuật và tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc. Một câu chuyện di sản và giấc mơ du thuyền Việt đang được tiếp nối.

Tiến sĩ Phạm Hà là Chủ tịch kiêm CEO LuxGroup và là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực du lịch sang trọng. Ngoài lĩnh vực kinh doanh, ông còn là một người say mê sưu tập tranh, đồ cổ, viết báo về thương hiệu, kinh tế, quản trị kinh doanh và sách về di sản văn hóa, lịch sử và mỹ thuật.

Leave a comment