Để du lịch Việt Nam tăng tốc năm 2024
(NLD) Kết thúc năm 2023, ngành du lịch Việt Nam về đích với con số 12,6 triệu lượt khách quốc tế đến, cao gần 3,5 lần so với năm ngoái và vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách. Đây là một kết quả khá tích cực trong bức tranh phục hồi chung của nền kinh tế khi đạt 70% so với con số năm 2019, ngay trước khi đại dịch diễn ra. Đặc biệt, có những thị trường dù còn mới như Ấn Độ nhưng có sự phục hồi ấn tượng 230%, Campuchia 176%…
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào từng con số thì có thể nhận ra những điểm còn chưa nổi trội. Trong đó, khách quốc tế vẫn đa phần đến từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Đa phần du khách đến từ các thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam thường ở ngắn ngày và không chi tiêu nhiều. Kể cả vậy thì độ phục hồi của khách Trung Quốc vẫn đang ở mức thấp, chỉ mới 30% so với 2019, một phần đến từ chính sách mở cửa của Trung Quốc sau Covid còn chậm hơn so với nhiều nước. Trong khi đó, khách chi tiêu cao đến từ Mỹ và một số nước châu Âu dù có độ phục hồi lớn nhưng vẫn chỉ đang chiếm tỷ trọng rất thấp.
So với mức phục hồi gần 90% của du lịch toàn cầu theo công bố của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) thì con số Việt Nam đạt được vẫn còn khá khiêm tốn. Hơn thế nữa, có thể thấy các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan và Singapore phục hồi nhanh hơn trong khi Việt Nam mở cửa sớm hơn.
Chẳng hạn, Thái Lan đến nay đã phục hồi khoảng 90% nhờ vào các chiến lược ngắn, trung và dài hạn với những con số mục tiêu đầy tham vọng. Các kế hoạch hành động cũng rất linh hoạt theo từng giai đoạn với sự vào cuộc của toàn bộ nền kinh tế. Họ biết khách của mình là ai, thấu hiểu khách hàng của họ và đưa ra chiến lược thu hút phù hợp và hiệu quả.
Đáng chú ý, phần lớn khách du lịch hồi phục là tự đến sau covid. Chính sách visa thông thoáng hơn cũng có những tác động nhất định, khiến nhiều khách chọn việt nam để đi du lịch hơn. Còn nói nỗ lực trong việc quảng bá và xúc tiến thì chưa có nhiều.
Ta chưa biết du lịch Việt Nam sẽ đi đâu, dạt đến chốn nào trong năm tới.
Ta vẫn thiếu một mục tiêu tham vọng và chiến lược đủ hiệu quả để du lịch đột ph. Trong khi đó, các nước khác từ quý III-quý IV/2023 đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho năm mới, như Thái Lan đã đặt ra mục tiêu đón 40 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.
Định vị để tăng tốc
Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế với nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có dọc theo dải đất hình chữ S; một nền văn hoá và di sản giàu có và đồ sộ; một nền ẩm thực phong phú. Vẻ đẹp của Việt Nam đã nhận được không ít ưu ái của truyền thông quốc tế suốt hàng thập kỷ qua.
Việt Nam đang có danh tiếng và “nguồn vốn” rất lớn để có thể tăng tốc phát triển du lịch với đa dạng loại hình từ nghỉ dưỡng, sự kiện, hội nghị, đám cưới, sự kiện thể thao, du lịch trải nghiệm và khám phá…
Muốn phát triển mạnh mẽ và tăng tốc để đạt được con số mục tiêu 17-18 triệu lượt trong năm 2024, ngành du lịch Việt cần xác định được điểm mạnh của mình, định vị được thương hiệu quốc gia, xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu. Đó là khách đại trà hay khách chi tiêu cao và đảm bảo yếu tố phát triển bền vững.
Có định vị thương hiệu, có xác định được chân dung khách hàng thì lúc đó mới có các chiến lược thu hút đúng mục tiêu, chiến lược phát triển sản phẩm đúng mục tiêu và kể được câu chuyện đắt giá.
Ta vẫn đang nói chung chung “khách quốc tế đến” nhưng không biết chân dung họ là ai, như thế nào, sở thích ra sao. Ta vẫn đang đưa ra các quyết định dựa trên cảm tính mà thiếu cơ sở từ tổng hợp thông tin và thông số chính xác thông qua việc áp dụng công nghệ.
Nhưng ai làm?
Du lịch Việt Nam vẫn đang thiếu một người nhạc trưởng có thể giúp dẫn dắt được việc định vị thương hiệu du lịch quốc gia và tổng hợp sức mạnh.
Muốn ngành du lịch phát triển thì cần sức mạnh tổng hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp nhưng nhìn chung các địa phương và doanh nghiệp cũng đang loay hoay “mạnh ai nấy làm”, tùy thế và lực. Các doanh nghiệp vẫn đang tự lực cánh sinh, tự mò mẫm con đường cho riêng mình dù những gì họ làm đang góp phần rất lớn cho hình ảnh, thương hiệu và sự phát triển của kinh tế quốc gia.
Ngân sách hiện tại dành cho việc quảng bá, xúc tiến vẫn đang còn quá ít so với các nước trong khu vực. Việc quảng bá cần có nội dung hơn và “chạm” hơn. Ngoài ra, việc đặt văn phòng đại diện tại các thị trường mục tiêu cũng là yếu tố cần cân nhắc để có thể nói chung ngôn ngữ và thấu hiểu được khách hàng hơn. Muốn thành “cường quốc du lịch” thì các hoạt động quảng bá phải tương xứng, phải thực sự coi nó là ngành kinh tế mũi nhọn.
Việt Nam cũng cần đẩy mạnh việc tháo gỡ các điểm nghẽn liên quan đến cơ chế và chính sách như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thẳng thắn chỉ ra trong Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong phát triển sản phẩm, trong các hoạt động xúc tiến và quảng bá, đẩy mạnh chuyển đổi số…