Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Doanh nhân Phạm Hà: “Du lịch mang lại cho tôi sự hạnh phúc lớn nhất”

Doanh nhân Phạm Hà: “Du lịch mang lại cho tôi sự hạnh phúc lớn nhất”

CafeF: Nghe có vẻ hơi khó tin, song đối với doanh chủ Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Công ty du lịch LuxGroup, kinh doanh du lịch là niềm đam mê lớn nhất cuộc đời ông, chứ không phải vì tiền bạc.

Ông Phạm Hà sinh năm 1975, đúng năm đất nước giành được độc lập, cầm tinh con mèo, tuổi Ất Mão, xông xáo, nhanh nhẹn và đã lăn lộn với rất nhiều công việc trước khi thành lập doanh nghiệp của riêng mình. Ông đã từng làm tour guide tại Công ty lữ hành nổi tiếng Buffalo Tours, đã trải qua nghiệp cầm phấn trắng trong thời gian ngắn, rồi phiên dịch viên, đến làm phim, trước khi trở thành tour guide chuyên về du lịch mạo hiểm cho du khách Pháp tại Buffalo Tours. “Tại công ty du lịch mạo hiểm, tôi đã đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, từ hướng dẫn viên, điều hành, đến trưởng phòng kinh doanh và marketing. Tôi đã hoàn thành việc học tiếng Anh và quản trị kinh doanh trước khi quyết định thành lập doanh nghiệp của riêng mình vào ngày 11 tháng 3 năm 2005”, ông Hà chia sẻ với CafeF nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2023.

1. KHỞI NGHIỆP VỚI 1.000 USD, CHIẾC MÁY TÍNH NỐI MẠNG VÀ KHÁT VỌNG NÂNG TẦM DU LỊCH VIỆT

Nhảy vào ngành kinh doanh lữ hành cao cấp một cách “mạo hiểm”, ông Hà phải tự xoay sở, đồng thời vận dụng sức mạnh của cuộc cách mạng số hóa để tăng sức cạnh tranh cho công ty của mình. Ông Hà khẳng định, du lịch không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê đồng thời quan niệm, làm du lịch không chỉ là dẫn khách đến một địa điểm, mà còn là sứ mệnh tạo ra các trải nghiệm mới lạ để hình thành nên những ký ức đẹp đẽ cho du khách năm châu. Ông thổ lộ với chúng tôi tại trụ sở LuxGroup, trong căn phòng làm việc treo nhiều tranh của họa sĩ Phạm Lực, người nghệ sĩ ông yêu mến nhất và sưu tầm hơn 500 bức tranh, vào buổi chiều cuối Thu trở lạnh. “Đây là công việc hạnh phúc nhất đối với tôi. Tôi thực hiện nó bởi niềm đam mê và yêu thích, chứ không phải vì tiền bạc”.

Khi bắt tay gây dựng nên doanh nghiệp riêng năm 2005, ông Phạm Hà chỉ có chiếc máy tính kết nối Internet và số tiền 1.000 USD, nhưng niềm đam mê cung cấp dịch vụ lữ hành sang trọng cho khách du lịch inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) thôi thúc ông phải vượt qua rào cản. Tên gọi “Lux” (viết tắt của “luxury”, tiếng Anh nghĩa là sang trọng) cũng hàm ý về tệp khách hàng của công ty, phục vụ nhóm khách cao cấp, sẵn sàng chi trả và có nhu cầu du lịch khác biệt, không theo số đông. Thời đó, Internet mới bắt đầu phát triển rộng tại Việt Nam, ông Hà phải tự code website và thiết kế giao diện tại văn phòng đầu tiên của mình tại số nhà 35 phố Hồng Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội, nơi Luxury Travel (tiền thân của LuxGroup) khởi sự với số vốn đầu tư ban đầu chỉ vỏn vẹn 1.000 USD.

Doanh nhân tuổi Mão kể lại: “Tôi chỉ có một văn phòng, một máy tính và một chiếc xe đẹp. Tuy nhiên, chúng tôi có một ước mơ lớn – nâng tầm du lịch Việt Nam và thực hiện giấc mơ du thuyền “Made in Việt Nam” trên biển lớn. Tôi đã khám phá những giấc mơ này từ trải nghiệm cá nhân khi còn nhỏ, tôi cùng cha tôi đi trên chuyến tàu Thống Nhất từ Hải Phòng đến TP. HCM vào giữa những năm 1980 của thế kỷ trước. Từ đó, giấc mơ về du lịch du thuyền lớn dần và tôi luôn ước mơ sở hữu một đội du thuyền riêng để khám phá đất nước và giới thiệu cho du khách về biển đảo và duyên hải cận duyên của Việt Nam, theo tinh thần của nhà quý tộc dân tộc Bạch Thái Bưởi”.

Chọn thị trường ngách là du lịch du thuyền cao cấp, ông Hà cũng không khỏi có những lúng túng hay khó nghĩ trong quá trình điều hành các du thuyền mang 2 thương hiệu Emperor CruisesHeritage Cruises Bình Chuẩn, thuộc Lux Cruises Group, một công ty thành viên của LuxGroup. Đó là những lúc nhân viên của ông trên các du thuyền phục vụ khách hàng chưa tốt, như định hướng dịch vụ ở mức hoàn hảo mà vị doanh nhân luôn cầu tiến này đặt ra, hoặc bản thân ông tự cảm thấy chưa hài lòng. Ông luôn dành thời gian tự đi khảo sát và kiểm tra chất lượng cabin hay đồ ăn trên từng con tàu, nhằm hoàn thiện ở mức cao nhất có thể.

Kinh doanh loại hình du lịch đặc biệt này không đơn giản, bởi du thuyền là một thị trường vừa mới vừa mở, tạo ra sản phẩm tốt và khác biệt đã khó, tạo ra trải nghiệm khác biệt và độc đáo cho du khách quốc tế còn khó hơn nhiều. Du khách muốn tìm tòi, và khám phá, tận hưởng và thư giãn những thứ mà họ chưa được trải nghiệm, do vậy mỗi nhân viên trên mỗi du thuyền phải được đào tạo để trở thành một đại sứ thương hiệu của LuxGroup. Trong khi đó, ông Hà cho rằng, “yếu tố con người thì không thể sao chép của nhau cho nên doanh nghiệp nào xây dựng được đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có năng lực và thái độ tốt, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tận tâm và hiếu khách sẽ tạo được sự khác biệt, giành lợi thế trong ngành công nghiệp xanh này”.

Khi được đề nghị nói về tình hình kinh doanh năm nay, CEO LuxGroup tiết lộ, doanh thu của cả tập đoàn trong 9 tháng đầu năm đã đạt 80% so với kế hoạch. Dự kiến công ty sẽ hoàn thành năm 2023 với doanh thu vượt 110% so với kế hoạch ban đầu. Chiến lược tăng trưởng hình tam giác của LuxGroup là thương hiệu – nghiên cứu – phát triển sản phẩm theo hình thức “đo ni đóng giầy” cho đúng với chân dung tệp khách hàng tiềm năng của mình. Điều bất ngờ là doanh nghiệp tư nhân này không có phòng Marketing và phòng nhân sự, mà chỉ có phòng Phát triển kinh doanh và Tăng trưởng; và phòng Tài năng và Văn hoá doanh nghiệp. Thương hiệu Lux Travel DMC được vinh danh ngôi đầu Châu Á 2023 giải Oscar du lịch Thế Giới World Travel Awards.

2. KHÁCH HÀNG LÀ ÔNG CHỦ – NHÂN SỰ LÀ TÀI SẢN LỚN NHẤT

Tự nhận chịu nhiều ảnh hưởng về triết lý kinh doanh dựa trên tinh thần dân tộc “Người Việt làm được” của “Vua” tàu thủy Bạch Thái Bưởi thế kỷ 20, với câu nói được coi là “slogan” bất hủ: “Làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường”, doanh chủ Phạm Hà nhấn mạnh nhiều lần trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông tâm niệm “Ông chủ duy nhất của chúng tôi là khách hàng”. Bên cạnh việc đưa ra tuyên bố về “Quyền khách hàng”, LuxGroup còn tập trung vào chiều sâu của đội ngũ nhân sự, chú trọng tuyển dụng nhân viên trẻ trung, năng động, sáng tạo, sử dụng tốt tiếng Anh cùng 6 ngôn ngữ phương Tây thông dụng khác. Các nhân viên đều được đào tạo để thấm sâu vào nhận thức rằng, khách hàng chính là “ông chủ” của mình, bởi vì họ mới là người trả lương cho mình.

Là người chịu khó học hỏi, đi nhiều nơi trên thế giới và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, nhà lãnh đạo “U50” này cho rằng, du lịch thời đại 4.0 với sự bùng nổ của AI tất cả đều có một điểm chạm chung, là điểm đến trải nghiệm và ký ức. Ông phân tích thêm: “Dịch vụ sang trọng là hàm tổng của thái độ, phục vụ nâng tầm nghệ thuật và quy trình quy chuẩn hiệu quả. Hiện nay, trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt về nhân sự và trải nghiệm du lịch, với các sản phẩm gần như giống nhau hoàn toàn từ điểm đến, khách sạn, nhà hàng… thì văn hoá doanh nghiệp, chất lượng nhân sự sẽ là mấu chốt tạo nên sự thành công của doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, không phải hải trình mà doanh nghiệp của ông Hà đang “cưỡi sóng đạp gió” đều thuận buồm xuôi gió. Dịch Covid-19 ập đến bất thình lình như một cơn đại hồng thủy muốn cuốn phăng đi toàn bộ nỗ lực của đội ngũ LuxGroup. Nhờ có tinh thần đoàn kết, chia sẻ cởi mở và tính chủ động sáng tạo, bão tố đã ở lại phía sau, “vùng biển” thương trường mà doanh nghiệp hoạt động cũng phần nào êm ả hơn. Với quyết tâm đưa công ty đi ra đại dương mênh mông chứ không chỉ quanh quẩn ở vùng biển nội địa, trau dồi Anh ngữ để giao tiệp thành thạo là yêu cầu bắt buộc mà người đứng đầu LuxGroup đặt ra với hơn 300 nhân viên.

Cụ thể là gì? Nhân viên công ty hàng năm đều phải trải qua các chương trình huấn luyện 7 ngày “chuyển đổi nhân tâm, 6 điểm chạm, 6 mức độ hài lòng, 10 quy định, văn hoá doanh nghiệp, phục vụ từ tâm”, rồi đào tạo các kỹ năng, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ…

“Điều quan trọng là phải tạo được môi trường vui vẻ, tin tưởng, tử tế, liêm chính, thành công, hạnh phúc và thịnh vượng chung. Một không gian làm việc nghệ thuật, bình đẳng để mọi nhân viên có thể thấy được mình cũng đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi vận hành của toàn hệ thống”, ông Phạm Hà nhấn mạnh.

Kinh doanh giống như một trò chơi lớn, có thắng thua và có thất bại, theo ông chủ LuxGroup. Ông khẳng định công ty mình không chạy theo lợi nhuận nhanh chóng, mà thay vào đó, xây dựng một cơ sở vững chắc và bền vững. Mục tiêu cuối cùng không chỉ là lợi nhuận mà còn là hạnh phúc cho nhân viên và khách hàng.

Tự nhận mình hay “bao đồng”, suy tư nhiều về ngành công nghiệp không khói của đất nước, vị doanh nhân mê tranh Phạm Lực cho rằng, so với các nước láng giềng như Thái Lan và Malaysia đón tới 40 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, ngành kinh tế du lịch của Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, theo ông, Chính phủ nên quy hoạch du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp cho GDP và tạo công ăn việc làm.

Ông khuyến nghị: “Chúng tôi mong muốn Chính phủ đánh giá chính xác giá trị của ngành du lịch và đặt ra các chính sách hỗ trợ phát triển nó. Điều này bao gồm các khía cạnh như: kinh tế ban đêm, du lịch tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số và nông nghiệp sạch. Cần thay đổi các chính sách để phát triển kinh tế du lịch và đảm bảo quản lý hiệu quả, chấm dứt tình trạng phát triển manh mún như hiện nay”.

LuxGroup đang xây dựng một tàu du lịch mới mang tên Emperor Cruises Grandeur Nha Trang, dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2024 để khám phá vịnh Nha Trang và các vùng biển khác của Việt Nam. Tầm nhìn của công ty này đến năm 2030 là có một bộ sưu tập Lux Yacht Collection với hai chiếc du thuyền “Made in Vietnam” có tên gọi là Spirit và President, chạy dài ngày trong vịnh Bắc Bộ, kết nối ba vịnh lớn ở miền Bắc là Lan Hạ, Hạ Long và Bái Tử Long cũng như kết nối với cảng Vân Đồn, các di sản ở miền Trung và vào đến TP. HCM.

Leave a comment