Hoạ sĩ Phạm Lực – vẽ tự nhiên như hơi thở
Không khí hội hoạ trong tranh Phạm Lực đầy tinh thần phóng khoáng, ngẫu hứng.
Là một trong những hoạ sĩ có cá tính hội hoạ ấn tượng trong hội hoạ đương đại, hoạ sĩ Phạm Lực thường được các nhà sưu tập yêu mến ví ông là một Picasso của Việt Nam. Không khí hội hoạ trong tranh ông đầy tinh thần phóng khoáng, ngẫu hứng.
Hoạ sĩ Phạm Lực sinh năm 1943 tại Huế, trải qua tuổi thơ ở nơi quê ngoại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cuộc sống cơ hàn nhưng ông vẫn luôn giữ niềm đam mê vẽ tranh. Bằng nỗ lực không biết mệt mỏi, ông đỗ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (niên khóa 1960-1965). Ra trường là nhập ngũ liền, anh chiến đấu ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), tuyến lửa Vĩnh Linh… rồi Tây Nguyên, Nam Lào, Tây Nam bộ… 35 năm trong quân ngũ, tay súng tay cọ, Phạm Lực nỗ lực phấn đấu để trở thành Đảng viên, thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam… Có lẽ chính cuộc đời có nhiều thăng trầm là chất liệu để tạo nên một hoạ sĩ Phạm Lực như ngày hôm nay.
PGS.Trần Huy Oánh, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội nhận xét: “Hoạ sĩ Phạm Lực có một cuộc sống rất phong phú. Từ thời thơ ấu cho đến những trải nghiệm khi là bộ đội, sống ở vùng quê và những nơi là cái nôi có các hoạt động, kỷ niệm. Những điều này in sâu trong anh nên anh cứ vẽ là ra thôi. Với nghề nghiệp và nắm chắc về kỹ thuật – phương tiện, phương tiện ấy giúp diễn cảm những điều ẩn giấu trong người. Tất cả tạo ra hồn và thần thái truyền cảm đến được với người xem”.
Trong hội họa đương đại Việt Nam, họa sĩ Phạm Lực được đánh giá là có cá tính hội họa ấn tượng. Ông đã có hơn 30 triển lãm ở trong nước và quốc tế. Ông cũng là hoạ sĩ duy nhất ở Việt Nam có câu lạc bộ những người sưu tập tranh của ông có khoảng 100 thành viên với hơn 6.000 tác phẩm được lưu giữ. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có lẽ là người sưu tập tranh của hoạ sĩ Phạm Lực nhiều nhất và cũng là một người bạn tri âm của hoạ sĩ.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng kể lại, có lần đi công tác, thấy có người bày tranh ven đường, những bức tranh đường nét tiết giản nh ưng có sức hấp dẫn ông đến lạ kỳ. Hỏi ra, họa sĩ Phạm Lực lại là đồng hương Hà Tĩnh. Ông Dũng mua liền mấy bức. Tình bạn của họ hình thành từ đó và là tiền đề cho việc thành lập CLB tranh Phạm Lực sau này. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ:
“Trước hết thấy tranh rất đẹp. Cái đẹp là thứ rất khó giải thích. Đẹp cũng như là công lý, mình giải thích công lý như thế nào. Mình cảm nhận được công lý nhưng giải thích nó không phải dễ. Công lý là kết tinh của lẽ phải, lương tri… Vẻ đẹp cũng là kết tinh rất nhiều thứ trong tranh của anh Lực. Nó là truyền thống, là thành tựu của hội hoạ phương Tây. Nó là màu sắc rất khác biệt. Nó là đường nét rất phá cách. Tất cả những điều đó làm nên khác biệt của tranh anh Lực. Và đặc biệt nó biểu thị bản sắc của người Việt, văn hoá Việt. Đó là hấp dẫn trong tranh hoạ sĩ Phạm Lực”.
Hoạ sĩ Phạm Lực vẽ tranh ở nhiều chất liệu. Ở tranh của Phạm Lực, người xem bắt gặp một không khí hội hoạ đầy tinh thần phóng khoáng, ngẫu hứng. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển triển lãm “Bút Lực” năm 2018 của hoạ sĩ Phạm Lực nhận xét “Vẽ với Phạm Lực giống như là chớp lấy những đợt sóng cảm xúc bất chợt ùa về bằng một trạng thái xuất thần. Lối vẽ ấy gần với trực họa, không tỉa tót, tỉ mỉ, cầu kỳ, làm dáng, điệu đàng”. Hoạ sĩ Phạm Lực chia sẻ:
“Có thể có nhiều người chê tranh của tôi thật thà quá, ít nghệ thuật quá. Nhưng theo Phạm Lực thấy, nghệ thuật là những gì chân thật nhất và mình cô đọng lại. Mình lấy cảm xúc của mình đưa cho mọi người cùng thưởng thức và nó sẽ trở thành giá trị”
Còn PGS.Trần Huy Oánh, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội thì cho rằng: “Hoạ sĩ Phạm Lực giống như người luôn luôn có cảm nhận, cảm hứng sáng tạo. Cho nên vẽ thoải mái, nhanh. Anh vẽ không nghiền ngẫm và vẽ kĩ, đầy đặn. Tác phẩm anh đẹp bởi sự tức thời, xúc cảm nhất định bột phát. Vẽ giống như đang rất hối hả, nét phóng khoáng, hoà sắc đẹp”.
Vẽ tranh đến nay đã được 50 năm cho đến lúc đột quỵ, ở độ tuổi gần 80. Hoạ sĩ kể lại, ông bị mắc chứng khó ngủ, trong những giấc mơ chập chờn, có khi ông lại choàng tỉnh dậy để vẽ lại những gì thấy trong giấc mơ của mình… Phạm Lực tâm sự vẽ đối với ông tự nhiên như hơi thở vậy.
Ngoài yếu tố thị giác, nét đẹp trong tranh của họa sĩ Phạm Lực còn nằm ở chính nội dung xuyên suốt – đó là sự song hành của những cảm xúc mộng mơ, khao khát hòa bình, tự do và ký ức chiến tranh. Bên cạnh đề tài chiến tranh quen thuộc của một họa sĩ quân nhân, họa sĩ Phạm Lực còn ghi dấu ấn với những tác phẩm bình dị, gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam như phong cảnh nông thôn, tình mẫu tử, chân dung người phụ nữ, sinh hoạt thường nhật…